Thời điểm được nhận tiền trượt giá khi rút BHXH 1 lần
Các văn bản pháp luật hiện không ghi nhận thuật ngữ "tiền trượt giá BHXH". Song, đây lại là cách gọi dùng để chỉ số tiền nhận thêm do được điều mức tiền lương hoặc thu nhập của những tháng đã đóng BHXH.
Theo Điều 63 Luật BHXH năm 2014, tiền lương hoặc thu nhập tháng đóng BHXH của người lao động sẽ được nhân với hệ số trượt giá BHXH do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội công bố để làm căn cứ tính mức bình quân tiền lương tháng đã đóng BHXH.
Như vậy, tiền trượt giá BHXH sẽ được tính luôn vào mức bình quân tiền lương/thu nhập tháng đã đóng BHXH để làm cơ sở xác định mức hưởng BHXH 1 lần của người lao động theo công thức sau:
Đóng BHXH bắt buộc:
Mức hưởng = (1,5 x Mbqtl x Thời gian đóng BHXH trước năm 2014) + (2 x Mbqtl x Thời gian đóng BHXH sau năm 2014)
(Mbqtl: Mức bình quân tiền lương tháng đã đóng BHXH)
Đóng BHXH tự nguyện:
Mức hưởng = (1,5 x Mbqtn x Thời gian đóng BHXH trước 2014 + 2 x Mbqtn x Thời gian đóng BHXH sau 2014) - Số tiền Nhà nước hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện
(Mbqtn: Mức bình quân thu nhập tháng đã đóng BHXH)
Như vậy, thông thường khi làm thủ tục rút BHXH 1 lần, số tiền mà người lao động được nhận đã bao gồm cả tiền trượt giá. Theo đó, tiền trượt giá BHXH sẽ được nhận cùng với thời điểm chi trả BHXH 1 lần.
NLĐ phải làm gì khi tiền bảo hiểm xã hội 1 lần chưa có tiền trượt giá?
Mặc dù theo cách nêu trên thì mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH đã tính cả tiền trượt giá trong đó. Tuy vậy, vẫn có những trường hợp đã làm đúng thủ tục hưởng BHXH 1 lần, nhưng khi nhận tiền lại không có tiền trượt giá. Khi đó, người lao động phải làm gì?
Hiện tại, vẫn chưa có thống nhất về quy trình chi trả tiền trượt giá mà thường do cơ quan BHXH tự quyết định cách thức trả tiền bổ sung.
Thực tế, có 2 cách phổ biến để người lao động có thể nhận đủ số tiền trượt giá khi rút BHXH 1 lần.
Cách 1: Chờ cơ quan BHXH tự liên hệ và trả tiền trượt giá
Nguyên nhân của việc không có tiền trượt giá trong số tiền BHXH 1 lần được trả cho người lao động là do chưa có công văn về hệ số trượt giá áp dụng trong giai đoạn mà người lao động làm hồ sơ hưởng chế độ. Chính vì vậy, cơ quan BHXH sẽ tạm thời chưa tính tiền trượt giá cho người lao động.
Sau khi có hệ số trượt giá BHXH chính thức, cơ quan này sẽ tự tính và trả thêm tiền cho người lao động:
- Nếu đăng ký nhận BHXH 1 lần là tiền mặt: Cơ quan BHXH chủ động liên hệ người lao động lên nhận tiền trượt giá.
- Nếu đăng BHXH 1 lần qua tài khoản ngân hàng: Cơ quan BHXH chuyển tiền trượt giá trực tiếp vào tài khoản ngân hàng mà người lao động đã đăng ký với cơ quan BHXH.
Cách 2: Chủ động liên hệ bộ phận một cửa của cơ quan BHXH nơi mình cư trú (nơi đã nộp hồ sơ hưởng BHXH 1 lần) để nhận thêm tiền trượt giá
Nếu không muốn chờ đợi quá lâu, người lao động có thể chủ động đến cơ quan BHXH để hỏi về tiền trượt giá BHXH của mình.
Người lao động cần mang theo các loại giấy tờ sau:
- Quyết định về việc hưởng BHXH 1 lần (Mẫu số 07B-HSB) mà cơ quan BHXH đã cấp trước đó.
- Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân bản gốc, còn thời hạn sử dụng.