Sáng ngày 1/9, ông Đỗ Thành Nhân đã đăng lên Facebook cá nhân các chia sẻ về triển vọng giá cổ phiếu thuộc nhóm “Louis” như “từ đây đến cuối năm BII không được 3X. Mọi người cứ chửi thoải mái”, “Từ đây đến cuối năm: BII không được 3X. TGG không được 4X-5X, APG không được 2X, SMT không được 3X, DDV không được 3X, AGM xuống 3X. Mọi người cứ chửi thoải mái. Ghi lại làm bằng.”
Các chia sẻ này sau đó đã được xóa đi, dù vậy, vẫn được các nhà đầu tư chụp lại và lan truyền trên các nhóm chat đầu tư chứng khoán.
Sau thông tin này, các cổ phiếu họ “Louis” cùng tăng giá mạnh. Như cổ phiếu TGG tiếp tục tăng trần lên vùng giá 35.300 đồng/cp, gấp 3 lần tính từ đầu tháng 8. Cổ phiếu BII có phiên tăng trần thứ 2 liên tiếp lên 18.800 đồng/cp, hơn gấp đôi trong vòng 1 tháng. Cổ phiếu APG cũng tăng từ vùng giá 10.000 đồng/cp lên 19.250 đồng/cp. Cổ phiếu SMT, DDV, AGM tăng giá đáng kể…
Những chia sẻ của ông Nhân về cổ phiếu trên trang Facebook cá nhân được nhà đầu tư chụp lại
Ông Đỗ Thành Nhân (sinh năm 1981) có liên quan tới hàng loạt doanh nghiệp có cổ phiếu tăng "nóng" trong thời gian vừa qua. Hiện, ông Nhân là Chủ tịch HĐQT Angimex ( HoSE: AGM ), vừa mới được bầu là thành viên HĐQT Louis Capital ( HoSE: TGG ) trong kỳ họp ĐHĐCĐ bất thường sáng 6/9 (trước đó là cố vấn HĐQT). Với Louis Land ( HNX: BII ), ông Nhân đã rút vốn cá nhân và rút khỏi HĐQT nhưng khẳng định vẫn đồng hành và tư vấn cho các kế hoạch phát triển của đơn vị.
Tại kỳ họp ĐHĐCĐ bất thường, ông Nhân chia sẻ Louis Capital là công ty đầu tư, có kế hoạch mua Chứng khoán An Phát để sở hữu 35% vốn qua mua cổ phiếu trên sàn và góp thêm trong đợt phát hành tăng vốn lên 2.200 tỷ đồng. Với Sametel, Louis Captal thâu tóm để hoàn thiện hệ sinh thái. Sametal ( SMT ) sẽ là nhà cung cấp năng lượng, lắp đặt hệ thống năng lượng trời cho các nhà máy gạo Angimex, Louis Rice hay cung cấp cáp điện, viễn thông cho Louis Land trong xây dựng cao ốc, khu công nghiệp…
Thực tế thì nhà đầu tư rất quan tâm đến phát ngôn của lãnh đạo doanh nghiệp về giá cổ phiếu và triển vọng trong tương lai. Bởi, các lãnh đạo chính là người hiểu rõ tình hình doanh nghiệp, cũng là đối tượng có nhiều thông tin về ngành cũng như yếu tố tác động đến tình hình kinh doanh. Không ít nhà đầu tư đã tận dụng các kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên để hỏi ban lãnh đạo về vấn đề này.
Chẳng hạn, tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2021, ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch HĐQT Gỗ Trường Thành đã cam kết cổ phiếu TTF sẽ sớm về mệnh giá. Tương tự, ông Nguyễn Khánh Hưng, Chủ tịch HĐQT Đầu tư LDG bày tỏ tại kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên diễn ra tháng 6 là so với giá trị công ty thì thị giá (7.000 đồng/cp cuối tháng 6) đang thấp, thời gian dài chưa có sự tăng trưởng và có kế hoạch đưa cổ phiếu về mệnh giá trong nửa cuối năm.
Tuy nhiên, những nhận định của lãnh đạo doanh nghiệp chỉ thể hiện kỳ vọng cùng dự đoán cá nhân về triển vọng tương lai. Những dự đoán này mang tính thời điểm có thể bị thay đổi theo chuyển biến của thị trường. Do vậy, nhà đầu tư cần có cái nhìn sáng suốt trong quá trình đầu tư.
Tại kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2017 của Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo ( HoSE: ITA ), ông Đặng Thành Tâm xuất hiện với tư cách chủ tọa thay chị gái - bà Đặng Thị Hoàng Yến và khẳng định cổ phiếu ITA sẽ về mệnh giá trong năm. Ông Tâm là Chủ tịch Đô thị Kinh Bắc ( HoSE: KBC ), một trong nhà sáng lập và cựu Tổng giám đốc ITA. Song, thực tế, cổ phiếu ITA đến nay vẫn đang giao dịch dưới mệnh giá.
Trao đổi với người viết, một chuyên gia về luật cho biết lãnh đạo doanh nghiệp thường khá thận trọng khi nói về cổ phiếu chính công ty mình và chỉ muốn chia sẻ về hoạt động kinh doanh. Bởi mỗi phát ngôn sẽ liên quan đến vấn đề công bố thông tin, hoặc nghiêm trọng hơn nếu không đúng sự thật thì liên quan đến quy định về làm giá chứng khoán. Các cơ quan quản lý cũng đã có quy định liên quan đến giao dịch nội gián, cấm người nội bộ cung cấp thông tin cho người khác để mua, bán chứng khoán.
Nghị định 156/2020/NĐ-CP về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đã quy định những hành vi có thể bị xem là thao túng thị trường chứng khoán. Trong đó có việc đưa ra ý kiến một cách trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua phương tiện thông tin đại chúng về một loại chứng khoán, về tổ chức phát hành chứng khoán nhằm tạo ảnh hưởng đến giá của loại chứng khoán đó sau khi đã thực hiện giao dịch và nắm giữ vị thế; sử dụng các phương thức hoặc thực hiện các hành vi giao dịch khác hoặc kết hợp tung tin đồn sai sự thật, cung cấp thông tin sai lệch ra công chúng để tạo cung cầu giả tạo, thao túng giá chứng khoán.
Khi vi phạm thao túng thị trường chứng khoán, đối tượng sẽ bị phạt tiền 10 lần khoản thu trái pháp luật, trường hợp không có khoản thu trái pháp luật hoặc mức phạt tính theo khoản thu trái pháp luật thấp hơn mức phạt tiền tối đa thì áp dụng mức phạt tiền tối đa 1,5 tỷ đồng với cá nhân và 3 tỷ đồng với tổ chức.