Đúng ra người ta phải hiểu nhưng không ai thể hiện kịp thời trách nhiệm của mình. Nhất là khi người ta chỉ loay hoay số tiền bị mất chứ không phải những thiệt hại của người gửi. Một khi gửi tiền cho nhà băng, dù có là thủ tục nào, hễ hợp đồng đã được xác định, thì chính là nhà băng đó phải có trách nhiệm ngay và luôn. Trì hoãn hoặc lo sợ trách nhiệm thì không chỉ nhà băng ấy bị mất mát lòng tin.
Hệ thống pháp luật bảo đảm cho thị trường là cơ sở tối thiểu trong mọi giao dịch. Cơ sở ấy không có thì thị trường chỉ là chỗ ăn thua của những kẻ cướp. Nhưng hệ thống pháp luật không tự nó biến thành giá trị bảo đảm. Trong một xã hội chưa hoàn thiện các quan hệ thị trường thì hệ thống pháp luật được chờ đợi bằng chính sự kịp thời và dứt khoát của bộ máy thực thi.
Trong vụ tranh chấp thì sự kiên nhẫn của người dân không khác cơn đau tim. Người ta tự hỏi mọi mối quan hệ thị trường phải chờ đợi trách nhiệm của cơ quan chức năng thì thị trường có ý nghĩa gì?
Thị trường lẽ ra phải được củng cố niềm tin bằng tuyên bố rõ ràng rằng, đây là vụ mất cắp ở Eximbank. Theo đó, ngân hàng có trách nhiệm bảo đảm an toàn tiền gửi cho người dân. Thời gian cũng là một loại giá trị trong giao dịch được bảo đảm nếu ngân hàng thực hiện chậm trách nhiệm của mình.
Còn quy trình trong hệ thống ngân hàng để một viên chức của mình cướp sống tiền gửi của khách hàng, như vụ việc ở Eximbank, là một vụ án hình sự. Trách nhiệm của khách hàng là xác định trung thực các hành vi giao dịch của mình.
Công lý vẫn đang được chờ đợi trước cửa tòa án.
Nhưng lòng tin, thứ vàng ròng trong quan hệ thị trường, đang như kẻ lữ hành bơ vơ giữa sa mạc tìm bảng chỉ đường.
Không thể phủ sắc ngân kim lên miếng giấy bồi mà buộc người ta tin là vàng ròng!
TÂM CHÁNH
![]() |