Xuất khẩu cá tra vào châu Mỹ giảm mạnh nhất trong 5 năm qua đã khiến lợi nhuận của một loạt doanh nghiệp giảm đáng kể, một phần khiến xuất khẩu cá tra năm 2019 khó thoát tăng trưởng âm.
Thống kê kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2019 của các doanh nghiệp cá tra niêm yết cho thấy, ngoại trừ Navico (ANV) ghi nhận tăng doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng lần lượt 13% và 68%; IDI doanh thu tăng trưởng 28%, nhưng lợi nhuận giảm 37%; các doanh nghiệp còn lại gồm Vĩnh Hoàn (VHC), Cửu Long An Giang (ACL), Thủy sản Mê Kông (AAM), Thủy sản Hùng Vương (HVG) và Agifish (AGF) đều ghi nhận doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng âm.
Một loạt doanh nghiệp cá tra có kết quả kinh doanh sụt giảm
Xét về kim ngạch xuất khẩu cá tra 9 tháng, tính từ năm 2015, có Navico và IDI duy trì được mức tăng trưởng giá trị xuất khẩu qua các kỳ; ACL tăng trưởng không ổn định và ghi nhận sụt giảm trong kỳ 9 tháng/2019; Vĩnh Hoàn lần đầu có kim ngạch xuất khẩu sụt giảm trong 9 tháng/2019 so với cùng kỳ năm trước.
Trên báo cáo kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp cho thấy, chỉ có Navico và IDI ghi nhận doanh thu tăng trưởng so với 9 tháng đầu 2018, lần lượt 13% và 28%; các doanh nghiệp còn lại doanh thu 9 tháng giảm: Vĩnh Hoàn (-13%), ACL, HVG mẹ, AGF, AAM .
Về biên lợi nhuận gộp bình quân 9 tháng đầu 2019 của 3/7 doanh nghiệp cải thiện, còn lại 4/7 doanh nghiệp ổn định so với 9 tháng 2018. Trong đó, Navico ghi nhận biên lãi gộp tăng cao từ mức 16% (9 tháng 2018) lên mức 24% (9 tháng 2019). Ở biên lợi nhuận gộp 24% chỉ có Navico và ACL đạt được.
Về chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế, ngoại trừ Navico ghi nhận lợi nhuận 9 tháng tăng trưởng 68%; Agifish cải thiện lỗ; các doanh nghiệp còn lại ghi nhận lợi nhuận sụt giảm từ 11% đến 37%.
Khi Mỹ không là "thiên đường", Trung Quốc trở thành cứu cánh
Biến động kết quả kinh doanh của một loạt doanh nghiệp 9 tháng đầu 2019 phản ánh những khó khăn và thuận lợi của thị trường xuất khẩu.
Xuất khẩu vào châu Mỹ sụt giảm mạnh ở 3 thị trường Hoa Kỳ, Brazil, Colombia và tăng trưởng thấp với Mexico đã ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của Vĩnh Hoàn (Mỹ chiếm tỷ trọng khoảng 60% kim ngạch xuất khẩu), HVG. Trong khi đó, sự trỗi dậy của thị trường Trung Quốc và Hồng Kông từ năm 2015 đến nay trở thành cứu cánh và giúp cho những doanh nghiệp có tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường này lớn gặt hái được quả ngọt, như trường hợp của Navico.
Việt Nam đang có 62 doanh nghiệp cá tra đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang Hoa Kỳ, nhưng chỉ có vài doanh nghiệp vẫn đang xuất cá tra sang Hoa Kỳ nhờ không chịu thuế chống bán phá giá hoặc thuế suất thấp. Ở thị trường Nam Mỹ, dù tiềm năng tăng trưởng cao, nhưng rào cản về yêu cầu chất lượng sản phẩm đã ảnh hưởng đến giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp vào thị trường này, qua đó kim ngạch xuất khẩu cá tra vào Nam Mỹ tiếp tục tăng trưởng âm năm thứ 2 liên tiếp.
Ngoài ra, sản lượng cá tra tăng mạnh trong năm 2018 và đầu năm 2019, dẫn tới dư thừa nguồn cung, khiến cho giá cá nguyên liệu và giá cá thành phẩm xuất khẩu đều giảm, cũng góp phần quan trọng làm giảm giá trị xuất khẩu cá tra.
Kết thúc 9 tháng đầu năm 2019, AAM đã vượt 15% kế hoạch lợi nhuận cả năm; ACL đã hoàn thành được 82% kế hoạch lợi nhuận trước thuế cả năm; Vĩnh Hoàn đạt 80% kế hoạch lợi nhuận sau thuế cả năm; Navico đạt 72% kế hoạch lợi nhuận sau thuế cả năm và IDI chỉ mới đi được 44% kế hoạch lợi nhuận năm.
Tính đến ngày 15/10/2019, kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam đi các thị trường đạt 1,56 tỷ USD, giảm 8,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Và 3/4 thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam tại châu Mỹ ghi nhận giá trị xuất khẩu giảm mạnh Hoa Kỳ (-44,4%), Brazil (-26,4%) và Colombia (-21,4%); còn lại Mexico ghi nhận tăng trưởng thấp 3,9%.
Giá trị xuất khẩu vào Trung Quốc và Hồng Kông tăng 19,1%, nhưng là mức tăng thấp nhất trong vài năm trở lại đây. Điều này được giải thích do Trung Quốc đang siết chặt thương mại biên mậu và kiểm soát chất lượng dù vậy các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam và nhà nhập khẩu Trung Quốc đã bắt kịp những yêu cầu mới và có những điều chỉnh phù hợp.