Khi nào người dân có thể sử dụng Mobile Money, doanh nghiệp muốn cung cấp dịch vụ này phải đáp ứng điều kiện gì?

22/03/2021 16:14
Theo Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh, triển khai thí điểm Mobile-Money thành công cần có nhiều yếu tố, đến từ doanh nghiệp viễn thông, người tiêu dùng và cả cơ quan quản lý.

Với gần 125 triệu thuê bao di động, khoảng 30% người trưởng thành chưa có tài khoản ngân hàng, cơ hội cho việc phát triển dịch vụ Mobile Money (dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ) tại Việt Nam là rất lớn. Việc phát triển Mobile Money sẽ cung cấp cho nhóm khách hàng không có tài khoản ngân hàng, đối tượng người dân vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo một kênh giao dịch, phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) nhanh chóng và thuận tiện; từ đó, góp phần làm tăng tỷ lệ TTKDTM và thúc đẩy tài chính toàn diện theo chủ trương của Chính phủ.

Ngày 09/3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 316/QĐ-TTg về việc phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Quyết định 316). Theo quy định, thời gian thực hiện thí điểm dịch vụ Mobile-Money là 2 năm kể từ thời điểm doanh nghiệp đầu tiên thực hiện thí điểm được chấp thuận triển khai thí điểm dịch vụ này. Kết quả thí điểm triển khai dịch vụ Mobile-Money sẽ là cơ sở thực tiễn để cơ quan quản lý có thẩm quyền xem xét, xây dựng và ban hành các quy định pháp lý chính thức cho hoạt động cung ứng dịch vụ tại Việt Nam.

Để có thể hiểu thêm về dịch vụ Mobile-Money, cách thức triển khai và các giải pháp đảm bảo triển khai thí điểm dịch vụ này được thành công, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Kim Anh đã chia sẻ với truyền thông.

Thưa ông, ông có thể nói rõ hơn về những lợi ích khi triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile- Money)?

Về cơ bản, Mobile Money hướng đến đối tượng khách hàng là người dân miền núi, vùng sâu vùng xa, các vùng nông thôn, chưa có tài khoản ngân hàng cũng như điều kiện sử dụng các dịch vụ thanh toán hiện đại. Do đó, Mobile-Money nếu được quản lý tốt sẽ có những ảnh hưởng tích cực đến nền kinh tế và các đối tượng tham gia. Cụ thể:

Đối với nền kinh tế: thị trường có thêm các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán TTKDTM, tăng cường việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính, đặc biệt tại khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, Mobile Money được phát triển dựa trên tận dụng hạ tầng viễn thông nên sẽ giảm các chi phí xã hội để phát triển TTKDTM.

Đối với các Doanh nghiệp viễn thông triển khai dịch vụ Mobile-Money: sẽ phát triển và đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ và đối tượng khách hàng (ngoài các dịch vụ viễn thông truyền thống), nhờ đó, mở rộng thị trường, tăng doanh thu và nâng cao khả năng cạnh tranh.

Đối với khách hàng: Mobile-Money cung ứng cho nhóm khách hàng không có tài khoản ngân hàng một kênh giao dịch nhanh chóng và thuận tiện, sử dụng 24/7, thanh toán mọi lúc, mọi nơi với thiết bị di động. Mobile-Money cũng góp phần phổ cập kiến thức tài chính toàn diện cho toàn dân. Thông qua đó, người sử dụng sẽ dần quen với sử dụng các dịch vụ tài chính chính thức khác tại các ngân hàng và các tổ chức trung gian thanh toán. Bên cạnh đó, dưới áp lực cạnh tranh buộc các tổ chức cung ứng dịch vụ phải nâng cao chất lượng dịch vụ, do đó, khách hàng được trải nghiệm dịch vụ tốt hơn.

Khi nào người dân có thể sử dụng Mobile Money, doanh nghiệp muốn cung cấp dịch vụ này phải đáp ứng điều kiện gì? - Ảnh 1.

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh

Vậy Mobile Money khác gì ví điện tử, thưa ông?

Để mở và sử dụng ví điện tử, khách hàng cần có tài khoản ngân hàng hoặc thẻ ghi nợ và phải liên kết ví điện tử với tài khoản ngân hàng. Hạn mức sử dụng của ví điện tử cá nhân là 100 triệu đồng/tháng.

Trong khi đó, khách hàng mở và sử dụng dịch vụ Mobile-Money không đòi hỏi phải có tài khoản ngân hàng. Khách hàng cần có SIM thuê bao di động được định danh, xác thực theo quy định của pháp luật, có thời gian kích hoạt và sử dụng liên tục trong ít nhất 3 tháng liền kề là có thể mở và sử dụng dịch vụ Mobile-Money. Để hạn chế rủi ro trong giai đoạn thí điểm và phù hợp với giao dịch giá trị nhỏ, hạn mức giao dịch của Mobile-Money là 10 triệu đồng/tháng.

Như vậy, điểm khác biệt lớn nhất giữa dịch vụ Mobile Money và ví điện tử là không yêu cầu phải có tài khoản ngân hàng. Nhờ đó, dịch vụ Mobile-Money sẽ hỗ trợ cho việc phát triển TTKDTM, tăng cường tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính, đặc biệt tại khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo của Việt Nam.

Các doanh nghiệp muốn xin giấy phép để cung cấp dịch vụ này cần đáp ứng những điều kiện gì, thưa ông?

Trước tiên, doanh nghiệp phải đáp ứng tiêu chí có đồng thời giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán ví điện tử và giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng di động mặt đất sử dụng băng tần số vô tuyến điện hoặc là công ty con được công ty mẹ có giấy phép thiết lập mạng viễn thông công cộng di động mặt đất sử dụng băng tần số vô tuyến điện cho phép sử dụng hạ tầng, mạng lưới, dữ liệu viễn thông theo quy định tại Quyết định số 316/QĐ-TTg ngày 09/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Các doanh nghiệp viễn thông cần xây dựng Hồ sơ đề nghị triển khai thí điểm dịch vụ Mobile-Money đảm bảo đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại Quyết định 316/QĐ-TTg, gửi NHNN đầu mối xem xét, thẩm định.

Trên cơ sở Hồ sơ đề nghị của các doanh nghiệp viễn thông, NHNN sẽ đầu mối, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TTTT) và Bộ Công an để xem xét, chấp thuận việc triển khai dịch vụ Mobile-Money.

Vậy khi nào người dân có thể được sử dụng Mobile Money và với dịch vụ này, khách hàng có thể làm gì, thưa ông?

Ngay sau khi các doanh nghiệp viễn thông đáp ứng các điều kiện và được chấp thuận triển khai cung ứng dịch vụ Mobile-Money, người dân có nhu cầu sử dụng dịch vụ, đặc biệt là người dân ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa có thể đăng ký mở, nạp tiền và sử dụng dịch vụ Mobile-Money.

Khi đăng ký sử dụng dịch vụ Mobile-Money, khách hàng sẽ phải cung cấp chứng minh nhân dân (CMND) hoặc Căn cước công dân hoặc Hộ chiếu trùng với thông tin đăng ký số thuê bao di động của khách hàng. Ngoài ra, cũng cần lưu ý mỗi khách hàng chỉ được mở 01 tài khoản Mobile Money tại mỗi doanh nghiệp viễn thông.

Theo Quyết định 316, Khách hàng có thể sử dụng Mobile Money để thực hiện nhiều giao dịch khác nhau như: nạp, rút tiền, thanh toán việc mua hàng hóa, dịch vụ, chuyển tiền. Khách hàng có thể nạp, rút bằng tiền mặt tại các điểm kinh doanh, nạp/rút từ tài khoản thanh toán của khách hàng tại ngân hàng hoặc từ Ví điện tử của khách hàng tại chính Doanh nghiệp viễn thông thực hiện thí điểm. Sau khi mở tài khoản Mobile-Money, khách hàng có thể nhận tiền và chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng, Ví điện tử hoặc tài khoản Mobile-Money khác.

Khách hàng không được cho thuê, mượn, trao đổi, tặng, cho hoặc mua, bán tài khoản Mobile-Money để đảm bảo an toàn, bảo mật khi sử dụng dịch vụ.

Ông có thể chia sẻ thêm về thời hạn thí điểm cụ thể?

Sau 2 năm, kết quả thực hiện thí điểm dịch vụ Mobile-Money là cơ sở thực tiễn để cơ quan quản lý có thẩm quyền xem xét, xây dựng và ban hành quy định pháp lý chính thức cho hoạt động cung ứng dịch vụ Mobile-Money tại Việt Nam.

Theo ông, đâu là yếu tố quan trọng để triển khai Mobile-Money thành công?

Như trên đã nói, theo Quyết định 316, các doanh nghiệp thực hiện thí điểm cần tuân thủ và đảm bảo các điều kiện, quy định khi tổ chức triển khai. Để triển khai thành công Mobile-Money phụ thuộc vào nhiều bên, nhiều yếu tố khác nhau. Trong đó các yếu tố mang tính tiền đề là:

Đối với doanh nghiệp viễn thông: cần xây dựng ứng dụng an toàn, thuận tiện, dễ sử dụng; xây dựng hệ thống các điểm kinh doanh trên toàn quốc, trong đó ưu tiên triển khai thí điểm tại các địa bàn thuộc khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Các đơn vị cung ứng hàng hóa/dịch vụ, cần chấp nhận rộng rãi phương thức thanh toán này với các chi phí hợp lý.

Về phía người dùng cần thấy rõ lợi ích khi sử dụng phương thức này trên cả khía cạnh lợi ích tài chính và tính thuận tiện trong sử dụng. Do đó, các doanh nghiệp viễn thông, cơ quan chức năng cần đẩy mạnh truyền thông, giáo dục tài chính để nâng cao kiến thức, kỹ năng sử dụng dịch vụ tài chính đối với đối tượng người dân khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa, người nghèo, các đối tượng chính sách...

Đối với công tác quản lý nhà nước, Mobile-Money là dịch vụ mới tại Việt Nam, do đó, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa NHNN, Bộ TTTT, Bộ Công an trong việc thẩm định, cấp phép, thanh tra, kiểm tra, giám sát theo đúng quy định tại Quyết định 316 của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt phối hợp trong việc hoàn thiện chính sách về dịch vụ Mobile-Money sau 02 năm thí điểm.

Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục theo dõi và nắm bắt thông tin phản ánh dư luận liên quan đến việc thực hiện thí điểm Mobile Money để kịp thời phối hợp với các Bộ ngành xử lý các vướng mắc, phát sinh.


Tin mới

Trung Quốc tung ra 'cục sạc di động' cho ô tô điện, có thể di chuyển tự do mà không cần người điều khiển
22 phút trước
Gã khổng lồ ô tô điện Trung Quốc Wuling vừa ra mắt một bước tiến mới trong công nghệ trạm sạc di động cho xe điện (EV), tạo nên một cuộc cách mạng về cách cung cấp năng lượng cho xe hơi trong thời đại năng lượng tái tạo.
"Vua" xe ga 160cc nét căng ra mắt Campuchia, ăn đứt Air Blade, Honda SH
57 phút trước
NCX Honda ADV160 2025 được trang bị kính chắn gió lớn, màn hình LCD hiện đại, phanh ABS, bình xăng 8,1 lít.
Chàng trai Tây làm phở Việt sấy khô cực độc lạ, dân tình người ngỡ ngàng, người "khóc thét"
5 phút trước
Không chỉ gây sốt với cách làm phở Việt sấy khô độc lạ, mà đoạn clip còn khiến cộng đồng mạng còn không ngừng tò mò về thành quả cuối cùng của món ăn này.
Tại sao Temu lại rẻ như vậy? 5 lý do đằng sau mức giá thấp của Temu
56 phút trước
Nếu bạn tình cờ biết đến Temu và tự hỏi tại sao giá các món đồ được bán trên đó lại thấp như vậy thì hãy yên tâm, bạn không phải là người duy nhất.
Giá vàng tăng cao kỷ lục, Hội đồng Vàng thế giới và chuyên gia đồng thuận đưa ra dự báo “nóng” gì?
2 giờ trước
Trong những ngày qua, giá vàng liên tục tăng cao kỷ lục. Vậy, các chuyên gia đưa ra nhận định gì về kịch bản sắp tới?

Tin cùng chuyên mục

Thời của siêu ứng dụng: Khi app ngân hàng không chỉ để chuyển tiền
4 giờ trước
Nếu như 10 năm trước, app ngân hàng chỉ dùng để chuyển nhận tiền hay kiểm tra số dư, thì giờ đây, cuộc chạy đua biến nó trở thành một công cụ siêu tiện ích đã và đang được rất nhiều nhà băng triển khai, nhằm phục vụ "tận răng" và tối đa hóa mọi lợi ích cho khách hàng của mình.
Áp thuế, chặn hàng nước ngoài ở Temu, Shein, Shopee “xé lẻ” đơn hàng hưởng đặc lợi tại Việt Nam
2 ngày trước
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khẳng định, tại dự thảo sửa đổi Luật Thuế Giá trị gia tăng đang trình Quốc hội, cơ quan soạn thảo đề xuất đánh thuế hàng hoá nhập khẩu giá trị nhỏ dưới 1 triệu đồng vào quy định của luật.
Doanh nghiệp làm gì để cạnh tranh với hàng Trung Quốc giá rẻ?
28/10/2024 03:26
Hiện nay, qua kênh thương mại điện tử, hàng Trung Quốc giá rẻ đang tràn vào Việt Nam trong tình trạng “báo động đỏ”. Vậy doanh nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng cần làm làm gì trong cuộc cạnh tranh khốc liệt này ở thị trường nội địa?
Xe Trung Quốc tại Triển lãm Ô Tô Việt Nam 2024 đẹp, nhưng người Việt chưa mặn mà
27/10/2024 08:55
Triển lãm Ô tô Việt Nam 2024 ghi nhận sự vắng mặt của nhiều thương hiệu lớn như: Ford, Mazda,... tạo cơ hội cho các hãng xe Trung Quốc như BYD, GAC và MG tỏa sáng. Các thương hiệu này đã thu hút sự chú ý với nhiều mẫu xe mới, thiết kế ấn tượng và có giá thành cạnh tranh. Tuy nhiên, nhiều người tiêu dùng Việt Nam vẫn lo ngại về chất lượng và độ tin cậy của xe Trung Quốc.