01. "Mọi thứ như sụp đổ"
Jon Bernier là người đồng sáng lập công ty in Tiny Fish ở thành phố Rochester, phía bắc bang New York. Tuần trước, anh đã phải sa thải 32 nhân viên vì doanh thu công ty giảm 90% sau khi Thống đốc Andrew Cuomo yêu cầu đóng cửa tất cả các ngành không cần thiết nhằm ngăn ngừa sự lây lan của virus corona.
"Không còn gì để in cả. Mọi thứ như sụp đổ," Bernier nói với Al Jazeera.
Doanh thu công ty giảm còn là vấn đề đau đầu hơn khi Bernier có những vấn đề cá nhân khác. Anh và bạn gái Stephanie đang chuẩn bị đón đứa con thứ hai vào tháng 5 tới. Con đầu lòng của hai người mới được 1 tuổi rưỡi.
Mẹ của Bernier hiện đang phải điều trị chứng bệnh mất trí nhớ và gần đây bị đột quỵ, nhưng anh cũng không thể gặp bà tại bệnh viện bởi khu vực này đã cấm các hoạt động thăm người bệnh để đề phòng lây lan COVID-19 .
"Tôi rất lo lắng về mọi chuyện, nhưng tôi không muốn nói cụ thể," anh Bernier đáp.
Trên đảo Manhattan ở phía nam bang New York, Emily Reddix, một quản lý cửa hàng quần áo 32 tuổi, cho biết cô mới "khóc hết nước mắt" vì cấp trên mới gọi điện và nói tất cả 4 chi nhánh trong khu vực sẽ đóng cửa cho tới khi có thông báo tiếp theo.
"Có khi nào tôi sẽ mất việc không? Tôi sẽ phải tiêu toàn bộ tiền tiết kiệm của mình hay sao? Tôi lo rằng rất nhiều doanh nghiệp nhỏ sẽ không thể gượng dậy sau đợt dịch bệnh này," Reddix nói.
Ngày 26/3 vừa qua, Bộ Lao động Mỹ thông báo có tới 3,28 triệu người Mỹ đã điền đơn xin trợ cấp thất nghiệp sau khi dịch COVID-19 gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng tới y tế và kinh tế nước này.
Đối với thế hệ millennial - những người sinh trong giai đoạn năm 1981 và 1996, theo định nghĩa của Trung tâm Nghiên cứu Pew - sự sụp đổ của nền kinh tế là một trong những điều nhắc nhở họ nhớ lại giai đoạn Đại suy thoái năm 2007-2009, khi nhiều người mới bắt đầu đi làm.
02. "Chúng tôi sẽ phải bắt đầu lại từ đầu"
Reddix chuyển tới New York vào mùa hè năm 2009 sau khi tốt nghiệp tại Đại học Radford ở Virginia với tấm bằng thiết kế thời trang. Như nhiều bạn bè khác, cô không thể tìm được một công việc trả lương xứng đáng.
"Chỉ có những vị trí thực tập sinh toàn thời gian không lương," cô nhớ lại.
Không thể có một vị trí trong ngành thiết kế thời trang, cô nhận công việc liên quan tới kinh doanh và dần dần có được vị trí quản lí. Hiện giờ, cô lo ngại toàn bộ thăng tiến trong sự nghiệp có thể mất hết vì đại dịch.
"Chúng tôi sẽ phải bắt đầu lại từ đầu. Tôi sợ rằng mình không có đủ khả năng tài chính để xử lí tình hình. Về ngành kinh doanh, tôi lo ngại không biết liệu mọi người có đi mua sắm như trước khi tình hình dịch bệnh kết thúc không".
Mặc dù những người thuộc thế hệ X (sinh ra trong giai đoạn năm 1965-1980) hoặc thế hệ Baby Boomer (sinh ra trong giai đoạn năm 1946-1964) cũng có cùng những quan ngại như vậy, nhưng các nhà kinh tế ước tính 73 triệu người thuộc thế hệ millennial ở Mỹ sẽ là những người chịu tổn thất tài chính lớn nhất do đại dịch.
Lí do cho điều này là bởi vì nhiều người thuộc millennial đang bước vào cuộc khủng hoảng với nền tảng tài chính ít chắc chắn hơn các thế hệ trước.
Ảnh: Daniel Saldarriaga
"Bởi nhiều millennial tiếp cận thị trường việc làm chậm hơn trong hoặc sau Đại suy thoái, họ cũng thường nhận những công việc không được trả lương xứng đáng, ít quyền lợi, do đó thu nhập, các khoản tiết kiệm và tích lũy nghỉ hưu cũng chậm hơn thế hệ đi trước rất nhiều," Camille Busette, chuyên gia cấp cao về kinh tế tại Viện Brookings, chia sẻ với Al Jazeera.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, tính tới năm 2018, 15% số người thuộc thế hệ millennial ở Mỹ vẫn sống cùng cha mẹ - trong khi tỉ lệ này ở thế hệ Boomer là 8% và ở thế hệ X là 9% vào cùng độ tuổi. Những người millennial cũng tích lũy được ít tài sản hơn và lập gia đình muộn hơn thế hệ đi trước.
Jill Filipovic, tác giả cuốn sách "OK Boomer, Let's Talk", nhận định: "Thế hệ millennial chưa bao giờ phục hồi được từ cuộc suy thoái năm 2008. Họ mới đứng vững được ít lâu và bây giờ lại bị đánh gục bởi đại dịch, trong khi đây là thời điểm mấu chốt trong đời sống kinh tế của họ, ví dụ như bắt đầu tiết kiệm tiền nghỉ hưu, mua nhà, lập gia đình. Cuộc khủng hoảng khiến kinh tế của họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng".
03. "Tệ hơn cả Đại suy thoái"
Khi Daniel Saldarriaga tới New York vào năm 2002 cùng với gia đình từ Ecuador, anh muốn học đại học. Nhưng kế hoạch này không thể thực hiện được bởi Saldarriaga cần tiền hỗ trợ gia đình.
Hiện tại, Saldarriaga 35 tuổi và đang là trợ lí quản lí tại cửa hàng bánh Grandaisy ở Manhattan. Không giống nhiều cửa hàng khác trong thành phố, cửa hàng bánh vẫn mở cửa vì được coi là ngành "thiết yếu". Tuy nhiên, nhiều nhân viên đã phải nghỉ việc.
"Đây là hiệu ứng cầu tuyết. Chúng tôi có 80 nhân viên, bây giờ chỉ còn 13 người. Nguồn thu nhập đã biến mất. Chúng tôi đang trong tình cảnh rất khó khăn".
Saldarriaga nói anh bất đồng với lệnh phong tỏa New York bởi theo anh có nhiều thứ còn đáng sợ hơn COVID-19.
"Tôi đã chứng kiến cảnh nghèo đói kinh hoàng ở Ecuador. Khao khát nuôi sống được gia đình và sự sợ hãi mất mát còn đáng sợ hơn nỗi sợ dịch bệnh và virus. Ở Ecuador, khi có những người chết dần chết mòn vì sốt xuất huyết, những lời cầu cứu đầu tiên luôn là 'chúng tôi không có tiền, chúng tôi phải làm sao bây giờ?'," Saldarriaga nói. "Kể cả lúc ốm yếu và nghèo khổ, thì tốt nhất là bị bệnh nhưng biết rằng mình vẫn còn việc làm, còn hơn là bị bệnh và thất nghiệp".
Vừa qua, tổng thống Mỹ Donald Trump đã kí thông qua gói hỗ trợ 2 nghìn tỉ USD.
Gói này sẽ cung cấp cho mỗi cá nhân đủ điều kiện 1.200 USD và một gia đình đủ điều kiện số tiền tối đa là 2.900 USD; cung cấp 600 USD trợ cấp thất nghiệp và nhiều hỗ trợ khác cho doanh nghiệp và người lao động.
Với 1.200 USD được cấp vào tháng 4 tới, Reddix hi vọng cuộc sống sẽ bớt khó khăn phần nào. Tuy nhiên, cô lo ngại về điều sẽ xảy ra sau đó.
"Nếu chuyện này tiếp tục kéo dài, tất cả chúng ta sẽ cần nhiều hơn thế," cô nói.
Bernier đang điền phiếu đăng kí khoản vay và trợ cấp cho doanh nghiệp nhỏ, cố gắng mở cửa lại xưởng in trước khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ và thuê lại ít nhất 6 trong số 32 nhân viên mà anh buộc phải cho nghỉ việc.
"Thời kì này còn tệ hơn cả Đại suy thoái. Vì nó diễn ra quá nhanh," Bernier nói.