Khi mua cho bà nội ở quê chiếc điện thoại thông minh để có thể video call với chắt mỗi tối qua một ứng dụng phổ biến, anh Vinh (Hà Nội) không thể ngờ rằng chỉ vài tuần sau, bà anh đã lập một tài khoản Facebook, một tài khoản Shopee và một app chỉnh sửa ảnh. Cụ bà 80 tuổi chuyển sang gọi cho con cháu qua Facetime, cập nhật hình ảnh đi chùa, tụ họp cùng các cụ bạn. Còn tài khoản Shopee thì để mua sắm những thứ cụ thấy hay, vì "nó bán rẻ lắm".
2 năm trước, một thống kê của tổ chức Wearesocial cho biết, tại Việt Nam, nhóm người trung niên tầm 45 tuổi là độ tuổi ghi nhận sự tăng trưởng mạnh nhất về việc sử dụng Facebook trong năm 2017 với hơn 17 triệu người. Trong đó bao gồm 3 triệu người dùng lớn hơn 65 tuổi.
Xu thế này khiến cho độ tuổi trung bình của người dùng mạng xã hội ngày một tăng dù nhóm người dùng có độ tuổi trung bình là 30 vẫn chiếm phần đông nhất.
Cho đến nay, xu hướng thấy được từ kết quả của thống kê nói trên vẫn không đổi, khi mà tính đến tháng 6/2020, số người dùng Facebook tại Việt Nam đạt trên 69 triệu người, chiếm 70% dân số và môi trường của mạng xã hội này càng ngày càng đông các bậc cha, mẹ, ông bà lớn tuổi.
Nhìn chung, điều đó cho thấy sự xâm nhập rất mạnh mẽ của môi trường ảo vào cuộc sống của những bậc trung niên, cao niên. Trong khi đó, giới trẻ cũng dịch chuyển rất mạnh sang Instagram, Tiktok. Riêng Tiktok có thể nói là nền tảng không phân biệt tuổi tác vì sự ngộ nghĩnh, hấp dẫn và đặc biệt dễ thực hiện của thể loại video ngắn khiến cho trẻ em và người già đều có thể tham gia.
Từ các sân chơi cũ, người dùng có thể dịch chuyển một cách nhanh chóng sang nơi mới, thời thượng và vui vẻ hơn. Ở sự dịch chuyển này, người trẻ - với sự nhạy bén – đóng vai trò dẫn dắt và những người lớn tuổi hơn dù đi sau nhưng cũng cho thấy sự tiếp cận không hề khó khăn với công nghệ.
Một phần từ sự gợi ý của Facebook, những trung niên, cao niên biết và tiếp cận với các sàn thương mại điện tử. Từ đó, giống như bà nội của anh Vinh, nhu cầu tiêu dùng của họ "bung" lên mạnh mẽ khi mà hàng hóa "trên mạng" quá phong phú, giá rẻ, thanh toán và vận chuyển đều dễ dàng dù là ở quê hay phố.
Và do đó, phân khúc khách hàng lớn tuổi trở thành phân khúc thị trường có tốc độ tăng trưởng lớn với những đơn vị bán hàng trên môi trường online.
Anh Đỗ Dũng – chủ một shop bán giày online trên sàn thương mại điện tử Shopee cho biết, mỗi tháng anh bán hơn 1.000 đôi giày nữ mà đối tượng chính không phải ở Hà Nội, nơi shop của anh đặt trụ sở mà khách hàng chủ yếu là các bà, các cô trên dưới 45 tuổi ở các địa phương khác.
Chủ của một shop bán điện máy cũng chia sẻ, đối với những món hàng có giá trị cao, mặc dù không dám mua hàng online nhưng khi tiếp cận được thông tin của sản phẩm, rất nhiều khách hàng ở lứa tuổi 50 đã "chat" hỏi người bán và mua hàng sau khi trực tiếp đến xem.
Kết quả từ quá trình thúc đẩy kinh tế số của Chính phủ Việt Nam đang được nhìn thấy từ những thay đổi trong hành vi tiêu dùng của người lớn tuổi. Tuy nhiên, một thực tế rằng việc khai phá và khai thác thị trường người tiêu dùng lớn tuổi vẫn sẽ gặp trở ngại bởi không phải người dùng nào thuộc lứa tuổi này cũng có thể tiếp cận với smartphone. Lý do có thể là vấn đề kinh tế, hoặc do họ chưa có nhu cầu – nếu như không có ai đó bỗng nhiên tặng cho một chiếc điện thoại thông minh.
Bên cạnh đó, tâm lý của những người lớn tuổi còn e ngại với cước phí data tốc độ cao giá cao nên sẽ hạn chế truy cập mạng nếu không có wifi miễn phí.
Nếu có thể giải bài toán này, sự bùng nổ của kinh tế số là điều có thể thấy được. Mới đây, nhà mạng Viettel đã hợp tác với VinSmart bán smartphone 4G theo hình thức trợ giá, chỉ còn 600.000 đồng (thay vì 1.490.000 đồng). Bên cạnh ưu đãi về giá, tất cả khách hàng mua máy còn được Viettel Telecom tặng kèm gói cước dữ liệu miễn phí 15GB trong 3 tháng.
Cùng với đó, Viettel thực hiện chương trình nhắn tin tặng data 4G cho tất cả khách hàng cùng người thân, bạn bè của khách hàng.
Các hành động của Viettel có thể gọi là "phổ cập" smartphone 4G và 4G, được đánh giá là một lời giải khá hữu hiệu cho bài toán nói trên.