Khi nguyên thủ ăn bún chả, uống cà phê, dạo phố
Trong chuyến thăm Việt Nam vào 5/2016, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama ăn bún chả và uống bia ở Hà Nội. Bộ bàn ghế ông ngồi hiện vẫn được trưng bày tại cửa hàng, thu hút sự tò mò của thực khách. Bà Nguyễn Thị Liên - chủ quán bún chả - cho biết rằng cửa hàng trở nên nổi tiếng và tự hào với biệt danh "bún chả Obama".
Cũng trong năm 2016, Tổng thống Pháp khi đó là ông Francois Hollande gây ấn tượng khi dạo bộ phố cổ Hà Nội, thể hiện sự thích thú với văn hóa Thủ đô. Ông cùng cựu du học sinh Pháp, bao gồm Giáo sư Ngô Bảo Châu bắt đầu đi từ phố Hàng Chĩnh, qua Mã Mây rồi đến quán cà phê để thưởng, nhiều người ngạc nhiên khi gặp lãnh đạo ở nước ngoài trên phố.
Đáng chú ý, cố Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã 4 lần thăm Việt Nam. Riêng năm 2017 là năm đặc biệt khi ông Abe đến nước ta 2 lần. Đặc biệt, tháng 11/2017, ông Abe cùng với Thủ tướng Việt Nam khi đó là ông Nguyễn Xuân Phúc từng tản bộ trên phố cổ Hội An và thăm Chùa Cầu...
Đầu tháng 3/2024, phu nhân của ông đã trở lại Việt Nam, tản bộ thăm phố cổ Hội An, viếng mộ thương nhân Nhật Bản Tani Yajirobei và thăm Không gian văn hóa Việt Nam - Nhật Bản, nơi ông Abe đã cắt băng khánh thành vào năm 2017.
Việc các nguyên thủ quốc gia tới Việt Nam để trải nghiệm những văn hóa bình dị của người bản địa không còn xa lạ với cộng đồng quốc tế. Điều này cho thấy nước ta luôn để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng những vị khách có tầm ảnh hưởng về mặt chính trị, an toàn cho tất cả du khách nước ngoài.
Tỷ phú cưỡi trâu, thích thú uống bia hơi vỉa hè
Ngoài những chuyến thăm và công tác, nhiều tỷ phú, người nổi tiếng thế giới đã tìm đến Việt Nam để nghỉ dưỡng, khám phá nền văn hóa.
Vào tháng 12/2011, Mark Zuckerberg - CEO của Meta, doanh nghiệp sở hữu Facebook - cùng bà xã Priscilla Chan có chuyến du lịch bí mật đến Việt Nam, tham quan vịnh Hạ Long và Sa Pa.
Hình ảnh ấn tượng nhất trong chuyến đi này là khi vị tỷ phú hiện giàu thứ 4 thế giới trải nghiệm cưỡi trâu đi dạo quanh suối dưới sự hỗ trợ của người dân địa phương ở Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Đến trung tâm bản, Mark Zuckerberg cùng vợ và nhóm bạn chơi trò bịt mắt bắt dê.
Vào tháng 12/2023, ông Jensen Huang - CEO Nvidia, tập đoàn công nghệ có vốn hóa chạm mức 2.000 tỷ USD - ăn mặc thoải mái, cùng nhân viên thưởng thức ẩm thực đường phố Hà Nội. Theo một số nguồn tin, thay vì sử dụng bữa tiệc tối sang trọng tại khách sạn, nhà hàng cao cấp, ông lựa chọn món ăn ẩm thực đường phố mà khó nơi nào sánh được như ốc, đồ cuốn và uống bia.
Trước khi ly hôn, cặp đôi nổi tiếng thế giới Brad Pitt và Angelina Jolie từng gây chú ý trong nhiều chuyến du lịch Việt Nam. Lần đầu tiên họ đến nước ta khi còn yêu nhau vào năm 2006. Cả hai được nhìn thấy đi tham quan TPHCM bằng xe máy.
Lần thứ hai, Angelina Jolie đến Việt Nam là khi cô nhận nuôi Pax Thiên vào năm 2007. Tiếp đến, cặp đôi đưa Pax Thiên về thăm quê và nghỉ dưỡng tại Côn Đảo vào năm 2011. Tới năm 2015, họ bí mật tới Việt Nam, đặt máy bay riêng thăm vịnh Hạ Long rồi ở lại Hà Nội một ngày.
Mới đây nhất, tỷ phú Bill Gates cùng bạn gái tới Đà Nẵng du lịch. Theo nguồn tin, nhà đồng sáng lập doanh nghiệp Microsoft lưu trú trên bán đảo Sơn Trà, nơi được ví như lá phổi xanh của thành phố Đà Nẵng.
Theo danh sách Bloomberg Billionaires Index, tính đến ngày 7/3, Bill Gates là người giàu thứ 5 thế giới. Hiện nay, nhà đồng sáng lập Microsoft sở hữu khối tài sản có giá trị khoảng 148 tỷ USD. Trong khi đó, bảng xếp hạng tỷ phú giàu nhất thế giới của Forbes cho thấy Bill Gates có 126,8 tỷ USD và giữ vị trí thứ 7. Đặc biệt, vị tỷ phú này hiện sở hữu 111.288 ha bất động sản tại Mỹ.
Sau khi dừng vai trò điều hành doanh nghiệp công nghệ Microsoft, Bill Gates tập trung phát triển các dự án kinh doanh và từ thiện. Một số nguồn tin ước tính thu nhập hàng ngày của vị doanh nhân đạt trong khoảng 7,6-10,95 triệu USD.
Những chuyến thăm đặc biệt tác động gì tới du lịch Việt Nam?
Ông Trần Văn Khoa - Giám đốc Jack Tran Tours Hội An, người từng là hướng dẫn viên du lịch của cựu Tổng thống Phần Lan Tarja Halonen vào năm 2008 - nhận định rằng uy tín và lòng tin là điều khiến Việt Nam thu hút khách du lịch nhiều hơn.
"Tôi có vinh hạnh phục vụ vị cựu Tổng thống Phần Lan thông qua người bạn là đại sứ quán Phần Lan lúc bấy giờ. Trước đó, tôi từng nhiều lần gặp gỡ, hoàn thành việc đưa ngài đại sứ đến thăm các vùng bản địa của Hội An", ông Trần Văn Khoa kể lại.
Theo vị hướng dẫn viên này, muốn hướng tới những vị khách thượng lưu, đơn vị cung cấp dịch vụ cần phải hiểu tâm lý của họ. Đối với những chuyến đi mang tính cá nhân, điều người nổi tiếng mong muốn nhất là sự riêng tư, bình yên và tránh xa những xô bồ.
"Những vị khách đặc biệt dù thân thiện và thoải mái nhưng rất khó tính trong việc lựa chọn điểm đến. Họ luôn có đội ngũ an ninh độc lập. Khi nhận thấy những nơi chuẩn bị đến quá đông đúc người hâm mộ và có thể ảnh hưởng tới sự an toàn của gia đình, những người này sẵn sàng hủy lịch kể cả đã đặt chỗ ở nhà hàng sang trọng bậc nhất", anh Trần Văn Khoa chia sẻ.
Ngoài ra, vị giám đốc doanh nghiệp lữ hành cho rằng để thu hút người nổi tiếng , nước ta cần cung cấp những sản phẩm du lịch độc đáo, gắn liền với giá trị lịch sử, thiên nhiên, có thể chạm tới trái tim của du khách. Đồng thời phải tạo cảm giác như đang đưa một người bạn thân đến chơi nhà với thái độ thân thiện nhưng thật tinh tế, thay vì chỉ đơn thuần là cung cấp dịch vụ.
Nhân dịp tỷ phú Bill Gates đến Việt Nam, các chuyên gia du lịch và đại diện doanh nghiệp lữ hành mong muốn các đơn vị truyền thông sẽ tiếp tục quảng bá thêm nhiều hình ảnh tích cực về du lịch Việt Nam nhưng thật tế nhị nhằm đảm bảo sự riêng tư của nhân vật này.
Bên cạnh đẩy mạnh truyền thông, chính phủ được hy vọng nhanh chóng có những quyết sách nới lỏng thị thực với khả năng cạnh tranh cùng một số nước trong khu vực ASEAN để đưa số lượng du khách tới nước ta ngày càng nhiều hơn.
Ông Vũ Văn Tuyên - Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Travelogy Việt Nam - nhận định rằng, bên cạnh tài nguyên du lịch phong phú, điều Việt Nam có thế mạnh hơn các nước khác để thu hút những nhân vật nổi tiếng và khách du lịch nằm ở lòng tin, sự thân thiện. Điều này càng thể hiện rõ rệt hơn sau thời gian diễn ra đại dịch.
"Việt Nam bắt đầu đón khách du lịch quốc tế từ khi dịch bệnh COVID-19 vẫn tồn tại. Tuy nhiên khi tiếp xúc với người nước ngoài, bên cạnh việc đảm bảo công tác phòng chống lây lan dịch bệnh, hầu hết người dân nước ta vẫn thể hiện sự nồng hậu, lòng hiếu khách thuần khiết. Từ đó, văn hóa du lịch nước ta tạo nên sự uy tín tới thị trường quốc tế, liên tiếp thu hút những vị khách đặc biệt", vị giám đốc chia sẻ.