Theo đó, ngoài các ngân hàng được đặt vào diện kiểm soát đặc biệt, một số ngân hàng chưa đáp ứng quy định tỷ lệ an toàn vốn cũng sẽ chưa phải áp dụng quy định của Thông tư 41, nhưng Thống đốc NHNN sẽ quyết định đối với từng trường hợp cụ thể.
Như vậy, theo tinh thần của dự thảo này thì NHNN sẽ “chiếu cố” cho một số ngân hàng chưa thể áp dụng được tỷ lệ an toàn vốn theo Thông tư 41 vào đầu năm 2020. TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia nhìn nhận là quy định mở trên của NHNN phù hợp với bối cảnh hiện nay.
Ông nói rõ lý do vì sao đây là sự điều chỉnh phù hợp?
Hiện tại, vấn đề tăng vốn chủ sở hữu của các NHTM vẫn còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các NHTM có yếu tố nhà nước như được đề cập nhiều trong thời gian qua. Nếu áp dụng hệ số CAR theo chuẩn Basel II tại Thông tư 41 thì rõ ràng không khả thi và rất dễ xảy ra hiện tượng chống chế chính sách. Khi thực tế triển khai đã không khả thi, có nghĩa rằng không sửa bây giờ thì cuối năm cũng phải sửa. Nếu không sửa các ngân hàng sẽ vi phạm.
Do vậy, NHNN đã phải đưa nội dung này vào dự thảo sửa đổi cho phù hợp với tình hình thực tế. Việc lùi lại thời hạn áp dụng sẽ giúp các ngân hàng trên có thêm thời gian củng cố vững chắc nền tảng tài chính nhất là vốn chủ sở hữu để hoàn thành yêu cầu của NHNN và không bị ngưng trệ hoạt động. Vì hiện tại có ngân hàng nếu không tăng vốn, sẽ phải đối mặt với tăng trưởng tín dụng âm bởi nếu không sẽ đụng trần CAR.
Nhưng có ý kiến lo ngại là NHNN lại “nhân nhượng" đối với TCTD khiến cho họ không có động lực thực hiện áp dụng tiêu chuẩn khắt khe hơn?
Đó là đòi hỏi từ thực tế chứ không phải là NHNN nhân nhượng. Cũng chính vì thế NHNN xem xét từng trường hợp chứ không phải áp dụng đại trà. Những ngân hàng được xem xét phải có lý do chính đáng và phải có lộ trình cụ thể để đáp ứng yêu cầu trên. Mà theo chiến lược phát triển ngành Ngân hàng tới năm 2025 và định hướng đến năm 2030, mục tiêu đến năm 2020 có ít nhất 12-15 NHTM áp dụng thành công Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn. Như vậy, đối với những ngân hàng lớn nằm trong top 12-15 ngân hàng thì kiểu gì cũng phải đáp ứng quy định. Còn những ngân hàng khác nhỏ hơn, NHNN xem xét tình hình cụ thể.
Với sức khoẻ tài chính như hiện tại, theo ông, hạn chót cho các ngân hàng phải đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn theo Thông tư 41 vào thời điểm nào?
Thực ra, các ngân hàng cũng rất muốn đáp ứng sớm quy định chuẩn Basel II. Tuy nhiên, do việc triển khai đòi hỏi nhiều yêu cầu khắt khe nên một số ngân hàng chưa thể thực hiện được. Nhưng như nói ở trên, theo nhiệm vụ đặt ra tại chiến lược phát triển ngành, các ngân hàng trong top 15 thì đến cuối năm 2020 kiểu gì cũng phải đáp ứng được. Nên thời gian gia hạn cho nhóm này đâu đấy chỉ thêm được 1 năm; những ngân hàng còn lại, căn cứ vào đánh giá xếp hạng cũng như các bước ngân hàng đang chuẩn bị tiến hành thì NHNN sẽ quyết định gia hạn trong bao lâu. Quan điểm của tôi, lộ trình gia hạn có thể 1-3 năm tuỳ từng trường hợp cụ thể.
Còn đối với hai phương án quy định tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn xuống mức 30% vào tháng 7/2021 hoặc tháng 7/2022 đưa ra tại Dự thảo, ông “nghiêng” về phương án nào?
Tôi sẽ chọn phương án thứ 2 là đến tháng 7/2022. Lý do cần giãn thời gian hơn một chút là để đảm bảo tính khả thi của chính sách, không tạo cú phanh gấp đối với các ngân hàng đồng thời có thêm thời gian thúc đẩy tiến trình phát triển thị trường trái phiếu.
Quan điểm của tôi, về lâu dài không phải sử dụng biện pháp hành chính. Mà tự mỗi ngân hàng quyết định, khi đó NHNN quản lý bằng công cụ khác như hệ số CAR, quản lý theo chuẩn Basel II, qua việc xếp hạng các TCTD. Từ xếp hạng đó đưa ra chính sách, ứng xử với từng nhóm ngân hàng cho phù hợp.
Xin cảm ơn ông!