Vật lộn với những khó khăn tài chính do đại dịch Covid-19 hoành hành, kỳ lân công nghệ một thời WeWork đã chấp nhận bán phần lớn cổ phần của mình ở WeWork Trung Quốc cho cổ đông hiện tại Trustbridge Partners với giá 200 triệu USD. Thương vụ diễn ra khi công ty có trụ sở tại New York, chuyên mua và cho thuê bất động sản ở các vị trí đắc địa trong những thành phố lớn nhất thế giới, đã và đang phải cắt giảm chi phí hoạt động toàn cầu sau thương vụ IPO thất bại cuối năm ngoái.
Với thương vụ này, WeWork chỉ giữ lại số cổ phần thiểu số ở WeWork Trung Quốc và họ sẽ tiếp tục nhận được phí cấp phép hàng năm để sử dụng thương hiệu và dịch vụ của mình. Họ cũng sẽ giữ một ghế trong Hội đồng quản trị của công ty.
Từng được định giá tới 47 tỷ USD, WeWork hiện chỉ còn 2,9 tỷ USD vào tháng 5. Trước đó, hoạt động kinh doanh của WeWork tại Trung Quốc định định giá tới 5 tỷ USD trong vòng gọi vốn năm 2018 với sự tham gia của Quỹ tài sản quốc gia Singapore Temasek và Quỹ Tầm nhìn của SoftBank.
Hiện tại, SoftBank đang sở hữu 80% WeWork. Công ty vẫn chưa có lãi và lỗ ròng 723 triệu USD trong nửa đầu năm với doanh thu khoảng 764 triệu USD. Hồi tháng 4, SoftBank đã mua 3 tỷ USD cổ phiếu công ty này nhưng họ cũng mới phải bơm 1,1 tỷ USD vào tháng trước để giúp nó vượt qua dịch bệnh.
Feng Ge, đối tác quản lý tại Trustbridge Partners, cho biết họ tin chắc nhu cầu với các dịch vụ mà WeWork cung cấp sẽ tăng lên. Đại dịch Covid-19 sẽ thúc đẩy nhu cầu về sự linh hoạt, điều có lợi cho hoạt động của kỳ lân một thời này.
Michael Jiang, đối tác điều hành của Trustbridge Partners, đã được bổ nhiệm làm quyền giám đốc điều hành của WeWork Trung Quốc
WeWork có 739 cơ sở trên 140 thành phố với và hơn 662.000 thành viên tính đến cuối quý 4/2019. WeWork mở cơ sở đầu tiên ở Trung Quốc vào năm 2016 và hiện nay có hơn 100 địa điểm trên 12 thành phố với tổng 65.000 thành viên. Khách thuê của nó gồm nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn của Trung Quốc như Alibaba và Tencent.
Sandeep Mathrani, CEO WeWork, cho biết: "WeWork Trung Quốc củng cố vị thế dẫn đầu của WeWork với tư các là doanh nghiệp số 1 về không gian làm việc linh hoạt". Theo Mathrani, giá trị và tiềm năng lâu dài của WeWork sẽ ngày càng trở nên rõ ràng hơn bởi nhu cầu làm việc linh hoạt của các doanh nghiệp trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, những gì đang diễn ra tiếp tục cho thấy tình cảnh khó khăn mà công ty khởi nghiệp từng được tung hô là kỳ lân này phải đối mặt. Ở một diễn biến khác, dưới những áp lực của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, ByteDance của Trung Quốc đã phải bán một phần hoạt động kinh doanh của Mỹ.
Trong thỏa thuận tiềm năng nhất được phê duyệt, ByteDance thu về số tiền khổng lồ khi TikTok ở Mỹ được định giá tới hơn 50 tỷ USD. Giữ 80% hoạt động của cái gọi là TikTok Global, công ty quản lý TikTok ở Mỹ, ByteDance tiếp tục củng cố vị thế của mình như là công ty khởi nghiệp giá trị nhất thế giới. Nó diễn ra khi cả WeWork và các kỳ lân khác của Mỹ như Uber liên tiếp gặp khó.