Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), sau khi suy giảm trong quý II/2024, kim ngạch tôm Việt Nam sang Trung Quốc và Hong Kong đã tăng mạnh trở lại trong nửa cuối năm 2024.
Quý IV/2024, xuất khẩu tôm sang nhóm thị trường này tăng 69% lên 258 triệu USD, nâng lũy kế cả năm thêm 39% lên 843 triệu USD. Nhờ tăng trưởng mạnh, thị trường Trung Quốc và Hong Kong đã vượt qua Mỹ để trở thành thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam.
Lý giải xu hướng này, VASEP cho biết nguồn cung tôm nội địa của Trung Quốc giảm do ảnh hưởng thời tiết bất lợi, Ecuador cũng giảm xuất khẩu sang Trung Quốc trong năm 2024. Bên cạnh đó, quốc gia này cũng đưa ra nhiều giải pháp nhằm tăng chi tiêu tiêu dùng trong dân, qua đó hỗ trợ cho hoạt động xuất khẩu tôm của Việt Nam.
Nửa đầu tháng 1/2025, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc và Hong Kong cũng tăng mạnh 191% so với cùng kỳ năm 2024, đạt hơn 51 triệu USD.
Trong cơ cấu sản phẩm tôm Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc và Hong Kong năm 2024, tôm loại khác chiếm tỷ trọng cao nhất (chiếm 51,7%), tiếp đó là tôm chân trắng (chiếm 36,1%) và tôm sú (chiếm 12,2%).
Xuất khẩu tôm loại khác tăng mạnh 174% trong năm vừa rồi, trong đó nổi bật nhờ sự đột biến ở các mặt hàng tôm hùm như tôm hùm đá sống. Hiện Trung Quốc là thị trường nhập khẩu tôm hùm lớn nhất của Việt Nam, chiếm đến 98-99%, các thị trường khác như Thái Lan, Singapore, Hong Kong, Đài Loan chỉ chiếm 1 - 2%.Tôm hùm thường được người Trung Quốc chế biến đa dạng từ hấp, nướng đơn giản đến cầu kỳ kiểu Quảng Đông hoặc sốt cay…
Sự gia tăng đột biến này có nghĩa là người tiêu dùng Trung Quốc vẫn có nhu cầu với các loại thực phẩm cao cấp, mặc dù có sự do dự trong chi tiêu nói chung. Nhờ chi phí nhập khẩu từ Việt Nam tương đối thấp do chênh lệch về lao động và vận chuyển, nên tôm hùm Việt Nam có giá cạnh tranh hơn so với tôm hùm từ một số nước cung cấp khác như Australia và Canada.
Đáng chú ý, ngành nuôi trồng thủy sản Trung Quốc không thể đáp ứng nhu cầu nội địa. Trong bối cảnh đó, các sản phẩm của Việt Nam có giá rẻ và chất lượng tốt, nên việc tăng cường nhập khẩu từ quốc gia láng giềng Đông Nam Á là biện pháp khắc phục đơn giản cho tình trạng thiếu hụt tôm hùm tại thị trường đông dân thứ hai thế giới.
Ngoài Trung Quốc, Việt Nam còn xuất khẩu tôm hùm xanh và tôm hùm bông sang Thái Lan, Malaysia và Singapore, xuất khẩu tôm hùm đất sang Mỹ.
Tuy nhiên, khi tăng trưởng kinh tế chậm lại và tăng trưởng thu nhập giảm, chi phí sinh hoạt tăng, người tiêu dùng ngày càng chú ý đến hiệu quả chi phí và protein thủy sản , dần chuyển từ “ưa thích” sang “tùy chọn”. Dẫu vậy, ở thị trường cao cấp, mức tiêu dùng của người giàu tương đối ổn định.
“Doanh nghiệp xuất khẩu tôm nên tiếp tục tăng cường thế mạnh xuất khẩu tôm hùm và đẩy mạnh quảng bá, tiếp thị, có giải pháp hấp dẫn và kích thích nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng truyền thống như tôm chân trắng và tôm sú tại thị trường Trung Quốc”, hiệp hội khuyến nghị.