Theo số liệu thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu giày dép các loại của Việt Nam trong tháng 12 đạt hơn 1,8 tỷ USD, giảm 3,6% so với tháng trước đó. Như vậy hết năm 2023, xuất khẩu mặt hàng giày dép đã mang về hơn 20,2 tỷ USD, giảm 15,3% so với năm 2022.
Từ năm 1998, giày dép đã tham gia câu lạc bộ các mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên và nhanh chóng ghi danh trong nhóm có kim ngạch cao. Sản lượng xuất khẩu giày dép của Việt Nam chỉ đứng sau thị trường Trung Quốc .
Hiện Việt Nam đang xếp thứ 2 thế giới về xuất khẩu giày dép với lượng xuất khẩu ước tính chiếm 10% của thế giới. Đáng chú ý trong năm 2020, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu giày vải lớn nhất thế giới về giá trị, vượt xa Trung Quốc (theo World Footwear Yearbook). Mặt hàng giày dép của Việt Nam đã được xuất khẩu tới hơn 150 thị trường trên thế giới, trong đó, tập trung ở những thị trường chính như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Anh…
Xét về thị trường nhập khẩu, Mỹ, Trung Quốc và Bỉ lần lượt là 3 thị trường lớn nhất của giày dép Việt Nam. Cụ thể trong năm 2023, Mỹ đã chi hơn 7,1 tỷ USD nhập khẩu giày dép từ Việt Nam, giảm 25,5% so với năm 2022. Trung Quốc là thị trường đứng thứ 2 và là một trong số ít thị trường chứng kiến mức tăng trưởng dương. Trị giá xuất khẩu sang láng giềng đạt 1,8 tỷ USD, tăng 9,3% so với năm 2022.
Đứng thứ 3 là thị trường Bỉ với hơn 1,2 tỷ USD, giảm 26% so với năm trước.
Năm 2023 là một năm nhiều khó khăn đối với ngành giày dép Việt Nam. Nguyên nhân đến từ các thị trường chính như Mỹ, EU, Nhật Bản bị suy giảm do tình hình lạm phát, sức tiêu dùng suy giảm, đặc biệt số lượng các mặt hàng tồn kho khá lớn. Theo thống kê của một số doanh nghiệp sản xuất quy mô lớn, trong năm qua, lượng đơn hàng của ngành dệt may, da giày sụt giảm 25-50%. Điều này khiến, hàng ngàn doanh nghiệp phải tiến hành cắt giảm lao động, giờ làm, ngày làm, thu hẹp quy mô sản xuất.
Hiện, nguồn nguyên liệu da sản xuất trong nước mới chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu sử dụng của toàn ngành. Các sản phẩm phụ trợ sản xuất trong nước chủ yếu là các mặt hàng như chỉ, chun, khuy, khóa, đường viền trang trí, mút xốp, miếng đệm lót giày, hộp đựng giày, đũa chống giày, giấy bọc giày, miếng nhựa độn giày dép , sắt lót đế, phom giày, keo dán, mủ cao su,...
Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng một điểm mạnh của ngành giày dép Việt Nam nằm ở sự đa dạng trong danh mục sản phẩm. Không chỉ dừng lại ở giày dép thông thường, mà còn bao gồm các loại giày thể thao, giày da cao cấp, dép đi trong nhà và ngoài trời, cung cấp nhiều lựa chọn đa dạng cho các thị trường tiêu dùng khác nhau trên toàn cầu.
Trong năm 2024, ngành dệt may Việt Nam phấn đấu đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 44 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2023. Mặc dù nhiều khó khăn bủa vây, nhưng da giày đang được xác định là ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, có sản phẩm chất lượng, cạnh tranh trên thị trường thế giới. Mục tiêu của ngành da giày, đến năm 2030, tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép , túi xách đạt 38-40 tỷ USD.