Apple ra mắt mẫu iPhone 13 vào vài tháng trước, nó trở thành thiết bị mới nhất thêm vào một danh sách dài những thiết bị điện tử - từ tua bin gió đến TV màn hình phẳng, sử dụng nguyên tố đất hiếm – một loại khoáng chất nằm ở gần cuối của bảng tuần hoàn các nguyên tố hoá học.
Nguyên tố đất hiếm là thành phần không thể thiếu để sản xuất các thiết bị điện tử tiêu dùng mà thế giới đang có xu hướng mở rộng theo cấp số nhân. Nó cũng cần thiết cho công nghệ năng lượng xanh như pin xe điện.
Theo thống kê, Trung Quốc đứng đầu thế giới về sản lượng mỏ và trữ lượng các nguyên tố đất hiếm với trữ lượng 44 triệu tấn trong khi sản lượng khai thác hàng năm là 140.000 tấn. Trong khi đó, Việt Nam chính là nước có trữ lượng lớn thứ 2 với 22 triệu tấn nhưng sản lượng khai thác chỉ khoảng 1.000 tấn mỗi năm. Do đó, trên bản đồ thế giới người ta gần như chỉ biết đến Trung Quốc là nước sản xuất đất hiếm. Điều này cũng khiến công chúng đặt ra câu hỏi, đất hiếm có thực sự hiếm đến thế?
Thực tế không hẳn vậy. Thuật ngữ "đất hiếm" là một thuật ngữ cổ xưa, có từ khi nguyên tố này được phát hiện bởi một trung uý quân đội Thuỵ Điển vào năm 1787. Trên thực tế, hầu hết trong số 15 (hoặc 16, 17 – tuỳ thuộc vào định nghĩa của các nhà khoa học) đất hiếm khá phổ biến; một số trong chúng còn có trong vỏ Trái Đất nhiều hơn cả chì hoặc ni tơ.
Đá lửa trong bật lửa được làm từ đất hiếm và chúng đã được sử dụng trong đèn khí đốt trong hơn 1 thế kỷ. Những thứ này được khai thác ở khắp nơi, từ Thuỵ Điển đến Đông Nam Á hay miền Tây nước Mỹ. Ngay cả Afghanistan dường như cũng có.
Tuy nhiên, hoạt động khai thác đất hiếm ngày nay hầu như không tồn tại nhiều bên ngoài Trung Quốc. Quốc gia này hiện kiểm soát tới 97% nguồn cung của một số nguyên tố đất hiếm. Mỏ đất hiếm lớn duy nhất của Mỹ, một khu phức hợp ở Mountain Pass, California, đã đóng cửa vào năm 2002.
Trong khi đó, Việt Nam có trữ lượng đất hiếm lớn nhưng chủ yếu là đất hiếm nhóm nhẹ trong khi đất hiếm nhóm nặng mới là thứ có nhiều công dụng, được ứng dụng trong các ngành công nghệ cao, theo TS Nguyễn Văn Ban – nguyên Trưởng ban Bauxite – Nhôm của Tổng công ty Khoáng sản Việt Nam cũ.
Chẳng hạn, các nguyên tố đất hiếm "nhẹ" như xeri – một thành phần trong men thuỷ tinh – rất dồi dào. Tuy nhiên, nguyên tố "nặng" như europium – được sử dụng để tạo màu trong TV và các màn hình khác – ngày càng khó tìm hơn. Bên cạnh đó, việc xử lý để tách từng nguyên tố trong đất hiếm cũng là việc không dễ dàng, còn việc khai thác có nguy cơ gây tổn tại cho môi trường bởi đất hiếm có các nguyên tố phóng xạ.
Ngay cả khi có đến hàng triệu thiết bị điện tử thông minh hay ô tô điện xuất hiện trên thị trường, thế giới chỉ tiêu thụ một lượng nhỏ đất hiếm - khoảng 130.000 tấn mỗi năm - tương đương 1/10 lượng đồng được sản xuất trong một tháng.
Theo các nhà phân tích, dung lượng thị trường đất hiếm đạt 2-3 tỷ USD vào năm 2014, chỉ bằng khoảng 1% so với thị trường sắt. Tại mỏ, các nguyên tố đất hiếm không có giá trị cao - hầu hết giá trị thị trường của chúng được thêm vào trong quá trình tinh chế.
Tuy nhiên, nguồn cung bị thắt chặt của loại khoáng sản này trên thị trường chính là thứ khiến nó được quan tâm hơn cả trong thời gian gần đây và biến đất hiếm thành của hiếm. Hiệp hội Vật liệu Nam châm của Mỹ dự đoán rằng nhu cầu của chính Trung Quốc đối với một số nguyên tố đất hiếm sẽ vượt xa nguồn cung của nước này trong vòng 2-5 năm. Quân đội Mỹ, vốn dựa vào các nguyên tố đất hiếm nhập khẩu để làm laser, tên lửa, hệ thống radar và các công nghệ khác – cũng lo lắng về việc phụ thuộc vào hàng nhập khẩu của Trung Quốc.
Theo báo cáo từ Mỹ, việc phát triển nguồn cung trong nước sẽ mất 7-15 năm. Ít nhất 2 công ty tại Bắc Mỹ đang chờ đợi để tham gia thị trường gồm Molycorp Minerals và Avalon Rare Metals.
Tham khảo: FT