Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng. Ảnh: Quang Phong/VNN
Nhờ Google tra hộ cụm từ “Hà Nội không vội được đâu”, chỉ trong 0,48 giây đã cho ra ngay gần 8.620.000 kết quả. Mà có lẽ chẳng cần đến Google, trong giao tiếp hàng ngày hiện nay, không ít lần trong một cuộc vui nào đó, ta vẫn thấy người ta nhắc tới câu đệm này trong các phát ngôn và câu nói này cũng đã từng trở thành “điểm nhấn” cho những câu chuyện.
Mới đây, câu nói này đã được nhắc lại trong dịp Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng cùng Đoàn đại biểu Quốc hội TP tiếp xúc cử tri huyện Gia Lâm trước kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV. Tại đây, ông Dũng rất trăn trở với câu nói “Hà Nội không vội được đâu”, bởi có trường học ở huyện Gia Lâm vì vướng thủ tục hành chính mà 3 năm không được xây dựng.
Câu nói nhắc lại của Bí thư Thành ủy Hà Nội đã phần nào phản ánh một thực trạng nào đó của Thủ đô. Sự chậm trễ, thậm chí trì trệ của một số cơ quan, tổ chức đã làm ảnh hưởng tới tiến độ, chất lượng công việc nói chung.
Thực tế, quá trình phát triển nhanh của Thủ đô đã cho thấy rất nhiều bất cập, trong đó có vấn đề ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, trường học và phòng cháy, chữa cháy, môi trường đầu tư kém thông thoáng, bộ máy hành chính nặng nề, kém năng động, kém hiệu quả… Những tồn tại đó đã được người dân, doanh nghiệp khái quát thành câu nói nổi tiếng “Hà Nội không vội được đâu”.
Hiện Hà Nội còn rất nhiều dự án lớn quan trọng như: đường vành đai 4 - tuyến đường này sẽ được khởi công trong năm 2023, hoàn thành năm 2026, đưa vào khai thác trong năm 2027. Tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội… Tuyến Cát Linh - Hà Đông còn chưa hoàn thiện 100%...
Với sức ép của hội nhập, sức ép của tình hình kinh tế - xã hội đang “phả vào gáy”, với vai trò của Thủ đô, với vai trò là một trong hai đầu tàu kinh tế của cả nước thì sự quyết liệt trong hành động, sự chấm dứt tư duy “Hà Nội không vội được đâu” trong nhận thức và hành xử của cán bộ, công chức, viên chức thành phố đang là một việc làm bức thiết lúc này.
Còn nhớ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc từng nêu rõ rằng, với vị thế mới của mình, Hà Nội giờ đây không nên chỉ khiêm tốn với định nghĩa là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của Việt Nam. Bởi theo dòng lịch sử của Việt Nam hơn 1.000 năm, kể từ năm 1010 khi Vua Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long, vùng đất Hà Nội vốn đã là kinh đô, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của nước Đại Việt qua các triều Lý, Trần, Hậu Lê.
Cũng theo Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, ở thời đại Hồ Chí Minh, Hà Nội cần được định nghĩa bằng một tầm nhìn mới xứng đáng hơn, đó phải là một trong những trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của Đông Nam Á.
Hơn nữa, chúng ta đang xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, hành động trên tinh thần phục vụ người dân, doanh nghiệp; xây dựng chính phủ điện tử; Chính phủ liêm chính, hạn chế tối đa, tiến tới xóa bỏ cơ chế xin - cho trong tất cả các lĩnh vực; Chính phủ tập trung nhiều hơn vào xây dựng thế chế.
Riêng Hà Nội - Thủ đô của đất nước - nơi có các cơ quan đầu não của đất nước thì cần phải tiên phong hơn trong các vấn đề. Dù rằng, tính tiên phong của lãnh đạo Hà Nội luôn ở TOP dẫn đầu nhưng sự thân thiện của một bộ phận công chức cấp dưới chưa được đánh giá cao.
Tức là, đòi hỏi cả hệ thống chính trị thành phố phải quyết liệt đổi mới phong cách lãnh đạo, lề lối làm việc, phải khắc phục bằng được tư duy “Hà Nội không vội được đâu”, làm lành mạnh hóa nền hành chính, nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức, chất lượng công việc, để phục vụ nhân dân, phục vụ doanh nghiệp đạt hiệu quả tốt nhất.
Đây cũng là sự mong mỏi của Trung ương đối với Thủ đô Hà Nội. Vì thế, sự quyết liệt trong xóa bỏ tư duy trì trệ ấy cần phải được cụ thể hóa bằng hành động cụ thể ngay lúc này.