Thị trường chứng khoán Việt Nam đang trải qua giai đoạn sôi động bậc nhất từ trước đến nay với thanh khoản thường xuyên duy trì ở mức cao xấp xỉ 20.000 tỷ đồng trên cả 3 sàn. Dòng tiền dồi dào không ngừng đổ vào thị trường khiến hệ thống của HoSE thường xuyên bị nghẽn lệnh, gây bức xúc trong giới đầu tư.
Thực tế, tình trạng này sẽ không thể khắc phục hoàn toàn cho đến khi có hệ thống giao dịch mới và trong thời gian chờ đợi Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) cũng đã đưa ra nhiều giải pháp tạm thời, trong đó có ý kiến về việc nâng lô tối thiểu từ 100 lên 1.000 cổ phiếu đang gây ra nhiều tranh cãi trong giới đầu tư.
Liên quan đến thông tin HoSE đang tham khảo ý kiến về việc nâng lô giao dịch chứng khoán tối thiểu trên HoSE từ 100 cổ phiếu lên 1.000 cổ phiếu để giảm tải cho hệ thống, ông Lê Hải Trà, CEO HoSE cho biết, vấn đề nâng lô giao dịch đã được HOSE tham khảo thông lệ quốc tế và ý kiến các chuyên gia, báo cáo các cơ quan liên quan để đánh giá tác động cũng như hiệu quả.
"Theo tính toán của HoSE, việc tăng lô lên 1.000 có thể giảm 40-50% tổng số lượng lệnh giao dịch. Việc tăng lên lô 1.000 có thể mở đường cho những tầm cao mới của thanh khoản thị trường. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng được bảo vệ tốt hơn thông qua việc đầu tư vào chứng chỉ quỹ phát hành bởi các công ty quản lý quỹ chuyên nghiệp", ông Trà nói trên TBTCVN.
Nhà đầu tư khó tiếp cận với các cổ phiếu chất lượng
Chưa thể kiểm chứng hiệu quả của việc nâng lô tối thiểu lên 1.000 cổ phiếu đối với việc giảm tải hệ thống, tuy nhiên hệ lụy có thể dễ nhận ra là sự gia tăng trở ngại tham gia thị trường đối với các nhà đầu tư cá nhân, đặc biệt những nhà đầu tư có số vốn nhỏ khi số tiền bỏ ra để mua một lô cổ phiếu lúc này sẽ rất lớn (gấp 10 lần hiện nay).
Thống kê tính đến hết ngày 2/3 cho thấy, trên HoSE có tới 12 cổ phiếu có thị giá trên 100.000 đồng/cổ phiếu trong đó có những Bluechips quen thuộc với nhà đầu tư như VIC, VHM, VNM, SAB, MWG, VJC,...
Nhà đầu tư mua cổ phiếu với số tiền tính bằng "cây vàng" nếu nâng lô lên 1.000
Như vậy, nếu việc nâng lô tối thiểu lên 1.000 cổ phiếu được thông qua, một lệnh mua các cổ phiếu trên có thể lên đến hàng trăm triệu đồng. Để dễ hình dung về sự đắt đỏ này, số tiền tối thiểu nhà đầu tư phải chi để thực hiện một lệnh mua các cổ phiếu này tương đương với 2 cây vàng, thậm chí 4 cây vàng nếu muốn mua VCF và RAL.
Thấp hơn đôi chút, một loạt "tên tuổi" như VCB, GAS, MSN, PNJ, FPT, CTD, NVL, REE, BCM, PLX, BVH, PHR, BHN,... cũng đều có thị giá từ 50.000 đồng/cổ phiếu trở lên tức là số tiền nhà đầu tư cần có để tham gia giao dịch các cổ phiếu này cũng trên dưới 1 cây vàng.
Đây đều là những cổ phiếu quen mặt, được nhà đầu tư ưa thích và có tiềm năng tăng giá khi thị trường tiếp tục đi lên chinh phục mức đỉnh cao mới. Do đó, việc nâng lô tối thiểu trên HoSE lên 1.000 cổ phiếu sẽ đưa những cổ phiếu chất lượng ngày càng ra xa tầm tay với của nhà đầu tư, gián tiếp thu hẹp lựa chọn của họ khi tham gia thị trường. Thay vì tiếp cận tới các cổ phiếu chất lượng, nhà đầu tư với số vốn ít ỏi chỉ có thể lựa chọn những cổ phiếu "trà đá", qua đó gián tiếp đẩy họ tới rủi ro thua lỗ, gây mất niềm tin trên thị trường.
Không thiếu lựa chọn trên HNX, UpCOM
Dù còn nhiều bất cập tuy nhiên không loại trừ khả năng việc nâng lô tối thiểu trên HoSE lên 1.000 cổ phiếu có thể được thực hiện trong thời gian tới. Khi ấy, nhà đầu tư cá nhân, đặc biệt nhóm có vốn khiêm tốn đừng vội rời bỏ thị trường chứng khoán bởi vẫn còn nhiều cơ hội đầu tư cổ phiếu chất lượng trên HNX và UpCOM.
Về quy mô, trên sàn UpCOM hiện có tới 7 doanh nghiệp vốn hóa tỷ USD gồm ACV, VGI, MCH, VEA, BSR, MCM, MSR trong khi khiêm tốn hơn HNX cũng có cái tên góp mặt là SHB.
Xét về thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS), nhiều cổ phiếu trên HNX và UpCOM cũng tỏ ra không hề thua kém, thậm chí vượt trội so với các Bluechips trên HoSE có thể kể đến NTC, WCS, FOC, SLS, DP3. Các cổ phiếu này đều có thị giá trên 100.000 đồng/cổ phiếu thậm chí 200.000 đồng/cổ phiếu tuy nhiên nhà đầu tư không phải bỏ đến hàng trăm triệu để tham gia giao dịch, thậm chí có thể mua 1 cổ phiếu do sàn HNX, UpCOM có thể giao dịch lô lẻ.
Về khả năng thu hút dòng tiền và tăng trưởng giá, HNX và UpCOM cũng có những đại diện nổi bật với mức tăng ấn tượng trong 1 năm trở lại đây như CTR (+155%), SLS (+103%), BSR (+89%), DP3 (+77%), PVS (+62%),... Các cổ phiếu này đều có thanh khoản tương đối dồi dào, giúp nhà đầu tư có thể dễ dàng tham gia giao dịch mua bán.
Với nhiều lựa chọn chất lượng, rất có thể dòng tiền của các nhà đầu tư cá nhân sẽ đổ về HNX và UpCOM mạnh mẽ hơn trong thời gian tới nếu việc nâng lô tối thiểu trên HoSE được triển khai.