Teo tóp
Theo thống kê của Bộ KH&ĐT, đến 1/7/2018, cả nước có 702.710 DN đang tồn tại và đăng ký mã số thuế. Trong đó, chỉ có 560.417 DN có kết quả sản xuất kinh doanh hoặc có chi phí cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Theo ông Phạm Đình Thúy, Vụ trưởng Vụ Thống kê Công nghiệp (Tổng cục Thống kê), để đạt mục tiêu có 1 triệu DN vào năm 2020, mỗi năm cả nước phải có khoảng 130.000 DN thành lập mới.
Tuy nhiên hiện nay, tỷ lệ DN thành lập mới đang giảm đi trong khi DN ngừng hoạt động tăng cao. 9 tháng đầu năm 2018, số DN thành lập mới tăng 2,8% trong khi số DN tạm ngừng hoạt động tăng 48,1% và số DN giải thể tăng 32,1% so với cùng kỳ 2017. Cứ 100 DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động thì có 77 DN ngừng hoạt động và giải thể.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, mục tiêu có 1 triệu DN vào năm 2020 gần như bất khả thi. Vì tốc độ thành lập các DN mới đang giảm dần; trên 5 triệu hộ kinh doanh lại “không muốn lớn”, trong khi xét về bản chất kinh tế, khu vực này đã là DN, đang đóng góp tới 30% GDP và là đội dự bị hùng hậu nhất của cộng đồng DN.
Lãnh đạo VCCI cho rằng, điểm nghẽn khiến Việt Nam khó đạt mục tiêu 1 triệu DN là chưa có chế độ kế toán và chính sách thuế phù hợp cho các DN nhỏ và siêu nhỏ, để bảo đảm các DN này được đối xử công bằng với hộ kinh doanh. Để khai thông điểm nghẽn này, Chính phủ nên nghiên cứu trình Quốc hội luật sửa đổi các luật kế toán và luật thuế để có thể áp dụng một chế độ kế toán và thuế thật đơn giản, dễ áp dụng cho các DN nhỏ và siêu nhỏ như các nước khác đã làm.
“Cùng với những nỗ lực cải cách quyết liệt, đồng bộ của Chính phủ trong việc cắt bỏ giấy phép con và các thủ tục hành chính với phương châm tiếp tục cởi trói cho doanh nghiệp, chúng ta sẽ chuyển đổi thành công hộ kinh doanh thành DN”, ông Lộc cho biết.
Số lượng phải đi liền chất lượng
Ông Mạc Quốc Anh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Hà Nội đánh giá, mục tiêu có 1 triệu DN vào 2020 gần như khó đạt được, vì tỷ lệ DN thành lập mới thấp, DN quay lại thị trường ít trong khi tỷ lệ DN dừng cuộc chơi cao hơn nhiều. Hơn nữa, việc Ngân hàng Thế giới đánh tụt bậc xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam cũng khiến hoạt động của DN Việt khó khăn hơn. Bên cạnh đó, thị trường của DN Việt Nam đang ngày càng teo tóp và phụ thuộc DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Có 95% DN khởi nghiệp phải rời thị trường trong 3 năm đầu tiên.
“Mục tiêu 1 triệu DN vừa khó để đạt được về con số vừa khó đạt chất lượng. Chúng ta phải xác định, trong 1 triệu DN đó có bao nhiêu DN dẫn dắt, đầu tàu kéo theo hàng trăm DN vệ tinh làm phụ trợ và đủ khả năng cạnh tranh với DN FDI. Bởi bức tranh DN dẫn dắt ở Việt Nam còn rất mờ. Chúng ta cũng phải có những DN lớn như thế thì phát triển DN mới nhanh được”, ông Mạc Quốc Anh đánh giá.
Ông Phạm Đình Thúy cho rằng, Chính phủ phải giữ được ổn định kinh tế vĩ mô để DN yên tâm đầu tư, đồng thời chỉ đạo đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm mạnh mẽ hơn nữa các rào cản kinh doanh. Bên cạnh đó, có sự hỗ trợ để DN có đủ vốn, hỗ trợ DN đầu tư phát triển khoa học công nghệ, đào tạo lao động... “Việt Nam hiện có trên 5,14 triệu hộ kinh doanh cá thể, trong đó có khoảng 2,3% hộ có đủ điều kiện để phát triển thành DN”, ông Thúy đánh giá.
Là người đại diện cho DN, ông Tô Hoài Nam, Tổng Thư ký Hiệp hội DNNVV Việt Nam cho rằng, Chính phủ ban hành nhiều văn bản để tạo sự thay đổi trong môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, chỉ đạo các ngành như thuế, hải quan, ngân hàng để hỗ trợ DN. Về khung chính sách, chúng ta đã làm tích cực, nhưng kết quả trên thực tế không được như mong muốn. Năm 2017, Hiệp hội DNNVV Việt Nam đã xây dựng đề án các mục tiêu để đạt 1 triệu DN vào 2020. Trong đó, tập trung chuyển đổi hộ kinh doanh thành DN. Muốn đạt được 1 triệu DN phải có chính sách hỗ trợ đặc biệt cho hộ kinh doanh chuyển thành DN. Với 5,7 triệu hộ kinh doanh chỉ cần 10% trong đó chuyển lên DN là chúng ta có thể đạt mục tiêu.
“Môi trường kinh doanh của chúng ta rất khó cho DN khởi nghiệp và chưa tạo nên sức hút để hộ kinh doanh chuyển thành DN. Bởi DN khó vay vốn tín dụng bằng tín chấp và trợ giúp cho DN bằng quyền tài sản của DN chưa thực hiện được nhiều, chống hàng giả hàng nhái chưa được như mong muốn. Dù việc thanh tra, kiểm tra đã hạn chế nhiều nhưng hộ kinh doanh vẫn sợ hãi điều đó”, ông Tô Hoài Nam nêu thực trạng.
Ông Nam cũng nhấn mạnh, đạt mục tiêu 1 triệu DN phải đồng nghĩa với đảm bảo tiêu chí như lao động, quy mô vốn, tỷ lệ DN xuất nhập khẩu, đóng góp ngân sách tốt hơn… Từ đó, con số 1 triệu DN thực sự có ý nghĩa về chất lượng chứ không chỉ đơn thuần là số lượng.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, mục tiêu có 1 triệu DN vào năm 2020 gần như bất khả thi. Vì tốc độ thành lập các DN mới đang giảm dần.