Mất thị trường vì tôm tạp chất
Ông Nguyễn Văn Quang – Tổng Giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, một “ông lớn” trong ngành chế biến, xuất khẩu tôm, cho biết ông không ngại các thị trường khó tính, thị trường xa hay gần mà ông ngại nhất chính là... nạn tôm bơm tạp chất. Rất nhiều lần ông đã phải “than trời” vì tình trạng này diễn ra ngày càng rộng và tinh vi, khó phát hiện.
Cơ quan chức năng bắt quả tang các đối tượng bơm tạp chất vào tôm. (ảnh tư liệu). Ảnh: T.L
Hệ quả của sản xuất nhỏ, lẻ (?) Ông Lê Văn Quang cho rằng, việc bơm tạp chất vào tôm cũng là hệ quả của tình trạng nuôi tôm nhỏ lẻ, phân tán. Vì mỗi hộ nuôi vài ao, mỗi lần thu hoạch vài chục, vài trăm kg nên mới có thể bơm tạp chất vào để tăng trọng. Còn nếu nuôi công nghiệp, sản lượng lớn thì không thể nào bơm chích được. Do đó, nếu giải quyết được tình trạng nuôi tôm với diện tích quá nhỏ và phân tán, có thể hạn chế được tình trạng nêu trên. |
Theo ông Quang, trước đây, tình trạng bơm tạp chất vào tôm chỉ diễn ra ở các tỉnh ven biển, có vùng nuôi tôm. Tuy nhiên hiện nay, hoạt động này đã lan rộng ra đến Ninh Thuận, Bình Thuận. Thậm chí một số khu công nghiệp bỏ hoang ở Cần Thơ còn đầu tư cả dàn máy công nghiệp hiện đại, với lực lượng công nhân đông đảo lên tới hàng trăm người để “tăng trọng” cho tôm.
Dù cơ quan chức năng nhiều lần kiểm tra, doanh nghiệp nhiều lần lên tiếng, phản đối… tuy nhiên, vì việc bơm tạp chất vào tôm đem lại lợi nhuận rất cao nên vấn nạn này cứ tiếp tục xảy ra.
Ví dụ, từ 1kg tôm loại 20 con/kg, sau khi được bơm Agar (bột rau câu), sẽ thành tôm loại 15 con/kg, riêng tiền lời từ giá chênh lệch giữa hai loại tôm đã đạt khoảng từ 80.000 – 85.000 đồng/kg.
“Hành động bơm tạp chất vào tôm mang lại lợi nhuận rất lớn cho những người làm ăn gian dối, lợi nhuận tương đương buôn bán ma túy nên các đối tượng bất chấp hết. Cơ quan chức năng tới kiểm tra, phát hiện… thì họ dẹp, qua hôm sau lại bày ra làm tiếp”- ông Quang bức xúc nói.
Cũng theo ông Quang, tôm bơm tạp chất chủ yếu được bán vào Trung Quốc và một phần xuất vào thị trường Trung Đông với giá thấp hơn giá tôm sạch từ 5 – 10%. Vì vậy, trước đây, Minh Phú còn bán được 1 – 2 container vào các nhà hàng cao cấp ở Trung Quốc nhưng đến nay thì không bán được nữa, nguyên nhân chủ yếu là khách hàng chê giá tôm của Minh Phú cao nên chọn mua tôm tạp chất.
Ông Trần Văn Lĩnh – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản và thương mại Thuận Phước (Đà Nẵng) cho rằng, do giá tôm nguyên liệu ở Việt Nam cao hơn các nước trong khu vực, tỷ lệ nuôi tôm thành công ở Việt Nam thấp nên nhiều thời điểm, thị trường thiếu tôm nguyên liệu, giá tăng cao. Đây cũng là lúc các đối tượng làm ăn gian dối “mặc sức tung hoành”.
So với tôm thường, thân con tôm bị bơm tạp chất thường mập, căng bất thường, mập đến nỗi các đốt trên thân tôm gần như bị giãn ra, nhất là đốt nối giữa đầu và thân. Ảnh: I.T
Theo ông Lĩnh, việc bơm tạp chất không chỉ làm ảnh hưởng lớn tới chất lượng, uy tín của con tôm Việt Nam mà còn là mối đe dọa lên chính những nông dân đang lạm dụng kháng sinh, hóa chất, tạp chất. Bởi nếu như thị trường Trung Quốc ngưng mua tôm Việt Nam hoặc cơ quan chức năng kiểm soát chặt việc nhập khẩu thực phẩm, những lô hàng này không thể tiêu thụ được.
Mức phạt chỉ như “bắt cóc bỏ đĩa”
Việc kiểm tra, phát hiện các đối tượng bơm tạp chất vào tôm nhưng rồi chỉ phạt hành chính hoặc yêu cầu “viết cam kết không tái phạm”… là không đủ sức răn đe. Việc tái phạm diễn ra ngay sau đó.
Ông Quang cho rằng, vấn nạn “tôm tạp chất” nói cho công bằng, trách nhiệm trước hết thuộc về cơ quan chức năng các địa phương. Vì cơ quan chức năng chưa có biện pháp trừng phạt mạnh mẽ.
“Những năm qua, chúng ta chỉ xử phạt hành chính, phạt vài triệu đồng, hoặc như bắt được quả tang thì cũng chỉ bắt đối tượng vi phạm ký cam kết, cũng chỉ như bắt cóc bỏ đĩa”- ông Quang nói.
Cơ quan chức năng TP.Đà Nẵng kiểm tra vi phạm bơm tạp chất vào tôm tại một cơ sở. Ảnh: Tư liệu
Hồi giữa tháng 5.2017, tỉnh Bạc Liêu – nơi tập trung nhiều đối tượng tổ chức bơm tạp chất vào tôm, đã tổ chức cho các huyện, thị, thành phố ký cam kết trách nhiệm trước chủ tịch tỉnh về việc “nói không” với tôm tạp chất.
Theo đó, Bạc Liêu đặt mục tiêu đến đầu năm 2018 sẽ cơ bản chấm dứt tình trạng đưa tạp chất vào tôm và mua bán tôm chứa tạp chất trên địa bàn phụ trách, đồng thời, kiên quyết xử lý nghiêm đối với tổ chức, cá nhân trong phạm vi quản lý cố tình tiếp tay bao che cho hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu, hoặc có hành vi cản trở, can thiệp hoạt động thanh, kiểm tra trong lĩnh vực này.
Ngoài ra, trong quá trình quản lý điều hành trên địa bàn phụ trách để xảy ra hoặc không thực hiện đúng cam kết thì Chủ tịch cấp huyện hoàn toàn chịu trách nhiệm trước chủ tịch UBND tỉnh và mọi hình thức xử lý theo quy định của pháp luật. Thế nhưng, chủ tịch tỉnh Bạc Liêu cho rằng, việc tỉnh tổ chức ký cam kết cũng là để các địa phương cùng quyết liệt vào cuộc trong vấn đề xử lý tôm tạp chất.
Không chỉ các tỉnh ven biển, các vùng trọng điểm nuôi tôm, tình trạng tôm bơm tạp chất cũng lan về tận TP.HCM, nên mới đây UBND TP.HCM đã yêu cầu Ban quản lý an toàn thực phẩm tổ chức cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh tôm thực hiện ký cam kết không vi phạm về tạp chất. Ngoài ra, danh sách các cơ sở đã ký cam kết sẽ được công bố công khai. Đồng thời, kết hợp kiểm tra, đánh giá điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm tại các cơ sở, cá nhân có sản xuất, kinh doanh thủy sản trên địa bàn…