Lần đầu tiên trong một thập kỷ, Trung Quốc phải tung ra thị trường một số kim loại dự trữ chiến lược nhằm kìm đà tăng giá của các mặt hàng - gây không ít khó khăn cho các nhà sản xuất. Trung Quốc cũng “xả kho” các hàng hóa như than đá và ngô nhập khẩu để hạ nhiệt giá, trong khi đó tích cực mua vào thịt lợn nhằm tạo một cú hích cho sản phẩm này.
Trung Quốc đứng đầu thế giới về nhu cầu sử dụng đa dạng hàng hóa, và đã cho dự trữ lượng lớn các loại hàng hóa này. Dưới đây là ước tính và đánh giá về mức độ hàng hóa dự trữ chiến lược của quốc gia đông dân nhất thế giới.
Kim loại
Dựa trên những hoạt động tích trữ trong quá khứ, các chuyên gia phân tích ước tính kho dự trữ chiến lược của Trung Quốc đang có khoảng từ 1,5 triệu đến 2 triệu tấn đồng, từ 800.000 tới 900.000 tấn nhôm và từ 250.000 tới 400.000 tấn kẽm.
Cục dự trữ quốc gia này cũng dự trữ cobalt, kim loại quan trọng trong quá trình sản xuất pin. Theo nhiều nguồn tin trong ngành ước tính, Trung Quốc đang có khoảng 7.000 tấn kim loại này. Nickel và nhiều kim loại khác bao gồm antimony, indium, germanium và molybdenum oxit cũng nằm trong danh sách dự trữ.
Theo Hiệp hội Thiếc và Nhóm nghiên cứu Chì và Kẽm Quốc tế, Trung Quốc không dự trữ thiếc và chì.
Ngũ cốc và Thịt
Lượng dự trữ ngũ cốc của Trung Quốc lớn tới mức có thể đủ để nuôi sống 1,4 tỷ dân của quốc gia này, với ước tính vượt qua con số 650 triệu tấn, theo Xinhua. Tuy nhiên, cơ quan thông tấn này lại không cho biết lượng dự trữ đó đủ cho người Trung Quốc sử dụng trong thời gian bao lâu.
Sinograin, một “ông lớn” dự trữ ngũ cốc của chính phủ Trung Quốc, sẽ bắt đầu xây dựng 120 dự án kho chứa, với tổng dung lượng lên đến 10,85 triệu tấn, theo một nguồn tin truyền thông chính thống trong tháng 7.
Dự trữ gạo và lúa mạch cũng đủ để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của quốc gia đông dân nhất thế giới trong vòng hơn 1 năm, Liang Yan, Phó Cục trưởng Cục dự trữ quốc gia Trung Quốc, chia sẻ trong cuộc họp báo hồi tháng 4.
Lúa mì và gạo chiếm tới 70% lượng dự trữ ngũ cốc của Trung Quốc, và được phân phối tại các kho thuộc quyển quản lý của cả trung ương và địa phương, theo thông tin từ CCTV trong tháng 8/2020.
Dự trữ thịt của quốc gia này hiện có khoảng 1 triệu tấn thịt lợn tính đến năm 2019, South China Morning Post dẫn lời một chuyên gia phân tích.
Thịt lợn là mặt hàng cần được xoay vòng thường xuyên để tránh tình trạng xuống cấp.
Dự trữ ngô của Trung Quốc ước tính ở quanh 200 triệu tấn tính đến năm 2017. Tuy nhiên, mặt hàng này đã gần như bị “xóa sổ” khỏi hệ thống lưu trữ trong năm 2020 khi Cục dự trữ bán hết lượng ngô đã được lưu trữ quá lâu ngày.
Bắc Kinh bán hơn 56 triệu tấn ngô từ kho dự trữ năm 2020, theo tính toán của Reuters, dựa trên những thông báo công bố trên website của Trung tâm giao dịch ngũ cốc Quốc gia Trung Quốc.
Trung Quốc gia tăng lưu trữ thịt lợn nhập khẩu sau khi dịch tả lợn châu Phi càn quét tại quốc gia này tháng 8/2019, khiến tổng đàn lợn sụt giảm 50% chỉ trong 1 năm.
Cơ quan quản lý thịt lợn của Cofco, doanh nghiệp thực phẩm quốc doanh, cho biết trong năm 2019, họ chi số tiền gấp 2 lần so với mọi năm để mua thịt lợn bổ sung vào kho dự trữ quốc gia, và ước tính lên tới 1,48 tỷ nhân dân tệ (228,6 triệu USD) vào năm 2020 và 2021.
Với số tiền đó, Trung Quốc sẽ mua khoảng 115.000 tấn thịt lợn, giá khoảng 2.000 USD/tấn, theo tính toán của Reuters.
Năng lượng
Kho dự trữ xăng, dầu chiến lược của Trung Quốc đang lưu trữ khoảng 220 triệu thùng dầu thô, đáp ứng nhu cầu sử dụng của toàn quốc trong vòng 15 ngày, Energy Aspects ước tính.
Tuy nhiên, tổng lượng dự trữ dầu thô, bao gồm cả kho dự trữ xăng dầu chiến lược, kho dữ trữ thương mại và tại các công ty dầu mỏ, được ước tính có thể đáp ứng nhu cầu sử dụng của cả nước trong vòng 60 ngày, theo Liu Yuntao, chuyên gia phân tích tại Energy Aspects.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), trụ sở Pháp, khuyến khích các thành viên dự trữ lượng dầu nhập khẩu tương đương 90 ngày sử dụng. Trung Quốc không là thành viên của IEA.
Thông tin gần đây nhất về kho dự trữ xăng dầu chiến lược quốc gia được hé lộ năm 2017, khi Tổng cục Thống kê Trung Quốc cho biết quốc gia này đã cho xây dựng 9 cơ sở lưu trữ với tổng sức chứa lên tới 37,73 triệu m3, tương đương 237,66 triệu thùng.
Tháng 9/2019, Cơ quan Năng lượng Quốc gia Trung Quốc cho biết quốc gia này sở hữu lượng dự trữ dầu đáp ứng đủ cho 80 ngày sử dụng, bao gồm lượng dự trữ trong kho lưu trữ chiến lược quốc gia, tại các công ty dầu mỏ và các kho chứa xăng, dầu thương mại.
Trung Quốc không kín tiếng về dự trữ than. Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, cơ quan hoạch định chiến lược của chính phủ, kêu gọi tăng lượng dự trữ than lên 120 triệu tấn trong năm nay.
Ủy ban này cũng đặt mục tiêu dự trữ khoảng 400 triệu tấn than thương mại, với việc các nhà máy nhiệt điện sẽ lưu trữ khoảng 200 triệu tấn, tại các mỏ khai thác là 100 triệu tấn và 100 triệu tấn từ các đơn vị phân phối.