Ngân hàng (NH) Nhà nước vừa công bố dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 24/2015 quy định cho vay bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng, chi nhánh NH nước ngoài đối với doanh nghiệp (DN).
Xuất khẩu cần chi phí thấp
Theo dự thảo, NH Nhà nước dự kiến kéo dài cho vay USD ngắn hạn đến hết năm 2018 đối với DN có đủ nguồn thu xuất khẩu để trả nợ. Tuy nhiên, tại thời điểm giải ngân, bên vay phải bán USD cho các NH thương mại để lấy VNĐ mua nguyên liệu sản xuất hàng hóa.
Doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu vay USD lợi hơn vay VNĐ Ảnh: TẤN THẠNH
TS Nguyễn Văn Thuận (Trường ĐH Tài chính - Marketing) đánh giá việc kéo dài thời hạn cho vay ngoại tệ là hết sức cần thiết, nhằm giảm chi phí cho các DN xuất khẩu, tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Bởi hiện nay, lãi suất vay vốn bằng USD chỉ khoảng 3%-3,5%/năm (kỳ hạn 3-6 tháng) thấp hơn rất nhiều so với vay VNĐ, lãi suất 6%-7%/năm (kỳ hạn 3-6 tháng).
Có lẽ, nhờ lãi suất thấp nên thời gian qua, DN vay USD tăng khả năng cạnh tranh, hỗ trợ kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng khá tốt. Điều này thể hiện khá rõ khi tín dụng bằng ngoại tệ của 10 tháng đầu năm 2017 tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2016 chỉ tăng 4,4%, theo báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia. Số liệu của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy 10 tháng đầu năm 2017, hàng hóa xuất khẩu của nước ta ước đạt 173,7 tỉ USD, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm 2016, nhập khẩu đạt 172,5 tỉ USD. Tính ra, trong 10 tháng Việt Nam đã xuất siêu 1,2 tỉ USD.
Như vậy, nếu DN có nguồn thu từ xuất khẩu không được vay ngoại tệ thì họ phải chuyển sang vay VNĐ với lãi suất cao gấp đôi. Khi đó, chi phí sản xuất sẽ tăng lên, ảnh hưởng không tốt đến xuất khẩu.
Lãi suất VNĐ còn cao
Lãnh đạo nhiều NH thương mại nhận định việc NH Nhà nước gia hạn cho vay ngoại tệ đến hết năm 2018 là gần như chắc chắn. Bởi chênh lệch lãi suất giữa VNĐ với USD hiện còn quá lớn. Mặt khác, nhiều năm trước, cơ quan này đã từng ngưng cho vay ngoại tệ nhưng sau đó phải tiếp tục gia hạn, nguyên nhân chính là lãi suất VNĐ quá cao so với lãi suất USD.
Thực tế cho thấy từ tháng 3-2016, NH Nhà nước đã tuyên bố chấm dứt cho vay ngoại tệ chuyển sang quan hệ mua bán ngoại tệ thuần túy. Lúc đó, lãi suất USD có phần tăng lên khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất, đồng thời thị trường kỳ vọng lãi suất VNĐ đi xuống như định hướng của Chính phủ để khoảng cách giữa lãi suất USD và VNĐ gần nhau hơn. Từ đó, DN sẽ chuyển hướng sang vay VNĐ. Thế nhưng, do NH Nhà nước ban hành quy định giảm dần tỉ lệ sử dụng vốn ngắn hạn từ 60% về 40% trên nguồn vốn huy động, trong khi các NH đã sử dụng gần hết hạn mức này nên nhiều NH phải tăng cường huy động vốn khiến mặt bằng lãi suất VNĐ không thể đi xuống, việc ngưng cho vay ngoại tệ không phù hợp với diễn biến thị trường. Vì thế, tháng 6-2016, NH Nhà nước tiếp tục gia hạn cho vay ngoại tệ cho đến ngày 31-12- 2016 và tiếp tục gia hạn đến hết năm 2017 để hỗ trợ xuất khẩu.
Trưởng phòng kinh doanh tiền tệ của một NH lớn nhận xét cung cầu USD tại Việt Nam hết sức thất thường. Nhiều thời điểm DN ồ ạt bán USD cho các NH thương mại, tạo điều kiện cho NH Nhà nước thu mua USD từ các NH thương mại. Biểu hiện rõ nhất là từ đầu năm 2017 đến nay, NH Nhà nước đã mua được 7 tỉ USD, tăng dự trữ ngoại hối lên 46 tỉ USD. Thế nhưng, không ít thời điểm, cầu USD lại tăng đột biến khiến nguồn cung ngoại tệ không đáp ứng đủ, buộc NH Nhà nước phải bán USD can thiệp thị trường. Tuy nhiên, việc NH Nhà nước bán USD sẽ làm dự trữ ngoại hối sụt giảm, ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ, kinh tế vĩ mô. Có thể đây là nguyên nhân chính khiến NH Nhà nước chưa đủ tự tin trong vai trò mua bán cuối cùng buộc phải chọn giải pháp gia hạn cho vay ngoại tệ để kim ngạch xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng, bảo đảm nguồn cung USD.
TS Nguyễn Văn Thuận cho rằng việc cho DN vay ngoại tệ rồi bán ngay cho NH thương mại để lấy VNĐ mua nguyên liệu sản xuất chỉ có thể dừng lại, chuyển sang quan hệ mua bán nếu trong vài năm tới, NH Nhà nước chuẩn bị dự trữ ngoại hối đủ mạnh, bảo đảm vai trò cung ứng ngoại tệ cuối cùng trên thị trường.
Thế nhưng, chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu đánh giá việc tăng thêm dự trữ ngoại hối không quan trọng bằng các giải pháp giảm lãi suất VNĐ về tương đương với lãi suất USD. Khi đó, DN sẽ nhận thấy vay USD có thể dẫn đến rủi ro về tỉ giá, tự động chuyển sang vay VNĐ và đây mới là thời điểm chín muồi để NH Nhà nước chấm dứt cho vay ngoại tệ.
Cho vay nhiều hơn huy động
Do người dân gửi USD không kỳ hạn, trong khi NH cho vay có kỳ hạn 3-6 tháng, huy động vốn bằng ngoại tệ thấp hơn rất nhiều so với dư nợ cho vay, nguồn cung USD từ DN xuất khẩu và NH Nhà nước khá thất thường nên nhiều NH luôn lo ngại thanh khoản USD bị trục trặc. Tổng giám đốc một NH thương mại ở TP HCM cho hay một số NH cho vay 100 USD nhưng chỉ huy động được 60-70 USD, 30 USD còn lại phải vay mượn từ các tổ chức nước ngoài. Nếu một lúc nào đó, người gửi USD bất ngờ rút vốn thì NH sẽ gặp khó khăn. Khi đó, thị trường có thể đổ lỗi nguyên nhân NH mất thanh khoản USD là do lãi suất tiền gửi ngoại tệ này bằng 0.