Những ngày này, các xã trên địa bàn thành phố Sơn La đang bước vào mùa thu hoạch mận hậu chính vụ và mận tam hoa cuối vụ. Theo ghi nhận của phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN, từ trung tâm thành phố Sơn La theo hướng quốc lộ 6 lên huyện Thuận Châu (Sơn La) khoảng vài km là các điểm thu mua mận, thỉnh thoảng lại bắt gặp những chiếc xe máy với 2 sọt mận đầy ắp được bà con người dân tộc Thái chở ra bán tại đây. Nhưng so với mọi năm, lượng người ra vào các điểm thu mua giảm đi đáng kể.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN, anh Điêu Chính Thư, bản Quỳnh An (phường Chiềng An, thành phố Sơn La), cho biết: "Gia đình tôi trồng 2ha mận hậu và mận tam hoa. Do khô hạn kéo dài từ tháng 11 năm 2019 đến tận tháng 3 năm nay, làm nhiều cành ngọn bị chết khô, hoa ra nhiều nhưng không đậu quả. So với mọi năm, mận năm nay quả ít, nhỏ, không đều.
Theo anh Thư, nếu như năm 2019, một cây mận hậu cho năng suất trung bình từ 1 - 2 tạ quả thì năm nay chỉ thu được từ 40 - 50kg.
Anh Điêu Chính Siết, bản Quỳnh An, phường Chiềng An, chia sẻ: "Nhà tôi trồng 1,2ha mận, trong đó mận tam hoa và mận hậu mỗi loại chiếm một nửa. Vườn này, năm 2019 tôi thu được 6 tấn quả, với giá trung bình 12.000 đồng/kg, thu được trên 70 triệu đồng. Năm nay, hạn hán kéo dài kèm theo mưa đá liên miên khiến nhiều cây mận không thể đậu quả được, cùng với đó là xảy ra dịch Covi-19 khiến năng suất và giá giảm đi một nửa so với năm ngoái. Bởi vậy, gia đình cũng mất đi một nửa nguồn thu nhập.
"Nhà tôi trồng 3ha mận. Năm 2019, thu được 30 tấn quả, bán được cả trăm triệu đồng. Năm nay, thời tiết khô hạn kéo dài, mưa đá liên tục nên nhìn vườn mận chỉ toàn lá, mọc lác đác vài quả, ước tính vụ này gia đình tôi chỉ thu được gần chục tấn quả. Hiện, giá bán mận hậu đầu vụ khoảng 15.000 đồng/kg. Nếu giữ nguyên mức giá này đến hết vụ, sau khi trừ chi phí, chắc chỉ hòa vốn", chị Tòng Thị Quyết, tổ 3, phường Chiềng An thông tin.
Chị Điêu Thị Xinh (bên phải), bản Quỳnh Tiến, phường Chiềng An bảo: "Đầu tháng 4, mận tam hoa gia đình tôi chín đỏ cả vườn, nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các phương tiện vận tải dưới xuôi không nên thu mua, nên giá 1.500 - 2.000 đồng/kg cũng chẳng ai mua. Mấy ngày trở lại đây, giãn cách xã hội được nhà nước nới lỏng đúng vào thời điểm cuối vụ thu hoạch mận tam hoa, gia đình tôi bán được 6 tạ quả, với giá 7.000 - 8.000 đồng/kg, thu được khoảng 5 triệu đồng. Vườn này năm ngoái, tôi thu được 30 triệu đồng. Giờ cuối vụ rồi cố vớt vát thu hoạch bán được đồng nào hay đồng đấy".
Anh Nguyễn Văn Cường - tiểu thương thu mua mận của bà con, cho biết: "Gia đình tôi có 4 điểm thu mua mận của người dân các xã Chiềng Đen, Chiềng Cọ, phường Chiềng An với giá dao động từ 10.000 - 20.000 đồng/kg để bán cho thương lái ở các tỉnh Lào Cai, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bắc Giang... Mấy năm trước, mỗi ngày các điểm thu mua của gia đình xuất cho thương lái từ 15 - 20 tấn quả thì năm nay do ảnh hưởng của thời tiết và dịch Covid-19 chỉ xuất được 2 tấn.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN, đại diện lãnh đạo Phòng Kinh tế thành phố Sơn La, cho biết: "Đến hết năm 2019, tổng diện tích mận toàn thành phố khoảng 2.342ha, trong đó mận tam hoa khoảng 800ha còn lại là mận hậu. Do hạn hán kéo dài, mưa đá, so với mọi năm, mận năm nay mất mùa, quả nhỏ, năng suất thấp. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lượng tiêu thụ và thu mua giảm khoảng 30%, giá thu mua giảm khoảng 40% so với mọi năm. Các năm trước, giá bán mận tam hoa trung bình từ 10.000 – 12.000 đồng/kg thì năm nay giá trung bình chỉ 6.000 - 8.000 đồng/kg. Hiện, bà con đang bắt đầu thu hoạch mận hậu đầu vụ, giá bán tương đối ổn định, dao động từ 10.000 - 20.000 đồng/kg.