Qua kiểm tra, phát hiện kho hàng chứa hàng hóa nghi nhập lậu, giả mạo nhãn hiệu đang được các đối tượng livestream bán hàng công khai trên Facebook. Chủ kho hàng là Trần Thành Phú, SN 1992 có hộ khẩu thường trú tại Lào Cai. Phú điều hành kho hàng lớn này cùng em gái mình. Các mặt hàng chủ yếu là đồ thời trang, đồ tiêu dùng, thậm chí có cả đồ ăn...
Thông tin thêm về vụ việc này, ông Nguyễn Kỳ Minh - Phó Chánh Văn phòng Tổng cục QLTT cho biết, do số lượng hàng lớn nên đến 10-7 vẫn chưa tiến hành kiểm đếm xong, sơ bộ có khoảng hơn 20 container hàng hoá. Mỗi ngày kho hàng lậu tại số 145 Hoàng Diệu, Lào Cai chốt được khoảng 1.000 đơn hàng, mỗi tháng có khoảng hơn 30.000 đơn được bán ra, doanh thu hơn 10 tỷ đồng mỗi tháng.
Kho hàng đặt ngay tại trung tâm của thành phố Lào Cai vừa bị phát hiện, xử lý.
Theo ông Minh, toàn bộ kho hàng được chia làm 5 khu vực: Bộ phận livestream; chốt đơn; kế toán tài chính; đóng gói và hậu cần. Về cách thức hoạt động, nhóm đối tượng đã thuê một kho hàng đặt ngay tại trung tâm của thành phố Lào Cai và ở vị trí rất khó để phát hiện. Kho này nằm cách cửa khẩu chưa đến 2km. Kho hàng được canh phòng cũng như được bảo vệ rất cẩn mật. Toàn bộ kho hàng được cất giấu ở trong nhà khung thép tiền chế rất kín đáo.
"Chúng tôi đã hỏi những người hàng xóm ở xung quanh kho hàng này nhưng họ cũng không biết có những hoạt động gì đang diễn ra trong kho hàng, chỉ thấy xe tải đi ra đi vào ở trong khu vực. Sau khi các đối tượng đã lập được một kho hàng như vậy thì song song với đó, họ mới tổ chức ra hàng loạt các bộ phận, các tổ nhóm để tiến hành kinh doanh, trực tuyến, không có cửa hàng nào", ông Nguyễn Kỳ Minh cho biết.
Theo Tổng cục QLTT, ngay từ cuối năm 2019, toàn bộ các phương thức, thủ đoạn cũng như là các hoạt động của nhóm đối tượng này đã được đưa vào trong tầm ngắm của các kiểm soát viên dày dạn kinh nghiệm nhất của Tổng cục. Lực lượng QLTT đã phát hiện ra đây là một trong những đường dây ổ nhóm rất tinh vi, lợi dụng môi trường mạng Internet để kinh doanh các sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Đến thời điểm hiện nay, các đối tượng vẫn không thể cung cấp được các giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm. Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm quần áo, giày dép, thời trang có dấu hiệu là hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp của các nhãn hiệu nổi tiếng trên thế giới như: LV, Gucci, Adidas, Nike….
Hiện toàn bộ kho hàng đã bị thu giữ và kiểm đếm, đồng thời tiến hành các biện pháp nghiệp vụ tiếp theo để xử lý nhóm đối tượng theo đúng quy định của pháp luật.
Tổng cục QLTT đánh giá, hình thức bán hàng thịnh hành gần đây qua công cụ livestream rất phát triển nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro với người tiêu dùng. Việc đầu tư các trang thiết bị livestream cũng rất rẻ tiền, thô sơ, nhưng được thúc đẩy bởi các nền tảng mạng xã hội của thế giới nên mang lại hiệu quả chốt đơn hàng rất cao.
Vụ việc gióng lên một hồi chuông cảnh báo đối với các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương trong việc nắm bắt thông tin và quản lý địa bàn đặc biệt với các mô hình thương mại điện tử. Thương mại điện tử không chỉ còn tập trung tại các thành phố lớn mà đã lan ra các tỉnh, như vụ việc ở Lào Cai là một điển hình.
Đặc biệt, Tổng cục QLTT cũng cảnh báo người tiêu dùng đừng vội vã mua hàng qua các phương thức như livestream trên mạng xã hội, nên tìm hiểu nơi uy tín để mua hàng.