Hàng loạt tập đoàn dự kiến lỗ lớn trong năm 2020 trong bối cảnh đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề tới nhiều lĩnh vực, trong đó có các ngành thế mạnh của Việt Nam.
Trong quý 1/2020, đã có nhiều doanh nghiệp lỗ cả nghìn tỷ đồng và dự kiến kết quả kinh doanh u ám cho cả năm. Vietnam Airlines báo lỗ khoảng 2.500 tỷ đồng trong quý 1, Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) báo lỗ ròng kỷ lục hơn 2.300 tỷ đồng; ông lớn bán lẻ xăng dầu Petrolimex (PLX) lỗ tròng hơn 1.800 tỷ đồng; PV OIL (OIL) ghi nhận lỗ ròng 538 tỷ quý đầu năm.
Trong một báo cáo, Vietnam Airlines tự đánh giá là doanh nghiệp chịu thiệt hại nặng nề nhất từ Covid-19 và ước lỗ có thể lên tới gần 20 ngàn tỷ đồng trong cả năm 2020.
Với Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR), sau khoản lỗ khủng trong quý 1, doanh nghiệp này dự báo tiếp tục lỗ 2.000 tỷ đồng trong quý 2 bất chấp thỏa thuận OPEC+ cắt giảm 10 triệu thùng dầu bắt đầu có hiệu lực cùng với việc các nước đang dần mở cửa trở lại giúp giá dầu thoát đáy.
Rất nhiều doanh nghiệp lớn khác dự báo lợi nhuận giảm. Thế giới Di động (MWG) của ông Nguyễn Đức Tài lần đầu đặt mục tiêu lợi nhuận thụt lùi trong năm nay, với doanh thu chỉ còn 110 ngàn tỷ đồng; lợi nhuận dự kiến giảm 10% xuống còn 3.450 tỷ đồng.
Xây dựng Hòa Bình (HBC) đặt kế hoạch mới với lãi sau thuế 125 tỷ đồng trong năm 2020, giảm tiếp 1/3 so với chỉ tiêu dự kiến trước đó và chỉ bằng khoảng 30% so với lợi nhuận 406 tỷ đồng đạt được trong năm 2019. Doanh thu dự kiến cũng giảm mạnh từ mức 18,6 ngàn tỷ đồng xuống còn 12,5 ngàn tỷ đồng trong 2020.
Mới đây, CTCP Tập đoàn FLC vừa công bố tài liệu cổ đông thường niên 2020 với dự kiến lỗ gần 2.000 tỷ đồng trong năm nay. Đây là khoản lỗ cao lịch sử hoạt động của công ty này. Doanh thu hợp nhất cả năm của FLC ước tính cũng giảm 22% so với năm trước xuống còn 12,5 ngàn tỷ đồng.
Sở dĩ hàng loạt DN lớn công dự kiến giảm lãi hay lỗ lớn là bởi các nhiều mảng kinh doanh cốt lõi của các tập đoàn bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19. Trong đó, Covid-19 đã ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất tới ngành du lịch - hàng không và các dịch vụ thể thao, giải trí, nghỉ dưỡng cao cấp.
Ngành hàng không gặp khó do Covid-19. |
Ngành du lịch và hàng không được dự báo còn chịu ảnh hưởng thêm nhiều tháng, thậm chí cả năm nữa do nhiều nước trên thế giới vẫn phải gồng mình chống dịch, việc đi lại làm việc, du lịch... bị hạn chế. Lượng khách nước ngoài tới Việt Nam giảm tối đa, chưa từng có trong lịch sử. Tình hình năm 2020 khác hoàn toàn so với bức tranh tươi sáng của năm 2019 khi mà ngành du lịch Việt Nam tăng trưởng ấn tượng, với khoảng 18 triệu lượt khách quốc tế và 90 triệu lượt khách nội địa.
Hầu hết các ngành đều đối mặt với những thách thức chưa từng có. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đều phải có những giải pháp cho riêng mình.
FLC của ông Trịnh Văn Quyết cho biết sẽ tập trung mọi nguồn lực vào những lĩnh vực thế mạnh để mang lại hiệu quả tối đa cho doanh nghiệp. Bất động sản sẽ tiếp tục là mảng kinh doanh cốt lõi của tập đoàn. Trong đó, bất động sản nghỉ dưỡng chiếm tỷ trọng lớn tại các dự án. Một số dự án trọng điểm trong năm nay của doanh nghiệp này gồm Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Gia Lai; Khu đô thị FLC La Vista Sadec; Khu đô thị FLC Legacy Kontum; Tổ hợp dịch vụ giải trí thương mại FLC Hilltop Gia Lai,...
Thị trường nội địa được coi là cứu cánh cho các doanh nghiệp Việt. |
Bamboo Airways dự kiến vẫn nghiên cứu, đẩy mạnh mở mới 6 đường bay nội địa để gia tăng thị phần với mục tiêu chiếm 30% thị phần nội địa ngay trong năm nay. Bên cạnh đó, dù phải điều chỉnh kế hoạch phát triển đội bay ở mức tối thiểu với 40 máy bay nhưng doanh nghiệp này vẫn đặt mục tiêu đội bay 50 tàu nếu nhu cầu đi lại hồi phục tốt.
Với tỷ phú Phạm Nhật Vượng, VinFast và VinSmart sẽ có một hướng đi táo bạo: tập trung xuất khẩu vào thị trường Mỹ sau khi đã có thị phần khá tốt ở Việt Nam. Vingroup coi Mỹ là một thị trường trọng điểm và là thị trường rất khó, do vậy nếu làm được ở thị trường khó nhất, thì câu chuyện vào các thị trường khác sẽ đơn giản, dễ dàng hơn. Sau khi làm thành công, đạt đến sản lượng nhất định ở thị trường Mỹ mới triển khai tiếp các thị trường khác.
Theo đại diện Vingroup, năm nay là năm rất khó khăn đối với mảng du lịch - vui chơi giải trí của Vinpearl, cho nên tập đoàn vẫn kiên trì đi theo hướng kêu gọi, thúc đẩy kích cầu du lịch nội địa, nhất là khi dịch bệnh trong nước vẫn được kiểm soát tốt và người dân không được đi du lịch nước ngoài.
Mặc dù có những giải pháp riêng, nhưng hầu hết các doanh nghiệp đều cần có sự hỗ trợ của Nhà nước để hồi phục trở lại.
Trước đó, trong cuộc "Đối thoại với doanh nghiệp" do thành phố Hà Nội tổ chức, nhiều tập đoàn lớn như Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, BRG của bà Nguyễn Thị Nga, Hoà Phát của ông Trần Đình Long,... đã kiến nghị nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn.
Với Vietnam Airlines, điều mà doanh nghiệp này cần nhất là dòng tiền hỗ trợ và nhấn mạnh đến tốc độ triển khai của các gói giải pháp. HVN mong muốn về chính sách giảm thuế, miễn thuế, giãn nợ... Trong khi đó, Vingroup đề xuất giãn thuế tiêu thụ đặc biệt, miễn tiền thuê đất năm 2020 với cơ sở lưu trú. Hòa Phát muốn tạo điều kiện cho các dự án cần chuyên gia được thực hiện đúng tiến độ, nhất là các dự án về công nghệ.
H. Tú