Theo Reuters, trong bối cảnh có nguy cơ ngân sách khó khăn, chính phủ Lào đã thỏa thuận với phía Trung Quốc, đồng ý cho một công ty quốc doanh Trung Quốc vận hành phần lớn lưới điện quốc gia của Lào.
Theo 3 nguồn tin tiết lộ, Lào đã chuyển nhượng phần lớn quyền kiểm soát một công ty mới là Công ty Truyền tải Lưới điện Quốc gia Lào (EDLT) cho công ty Trung Quốc.
Thỏa thuận chuyển nhượng cổ phần lưới điện được ký kết vào hôm 1/9 giữa Công ty Điện lực Quốc gia Lào (EDL) và Công ty Lưới điện miền Nam Trung Quốc (CSG). |
Thỏa thuận được đưa ra vào thời điểm các nhà phê bình cáo buộc Bắc Kinh sử dụng “ngoại giao” để giành lợi thế chiến lược tại các nước đang gặp khó khăn trong việc trả các khoản vay đã vay theo sáng kiến cơ sở hạ tầng toàn cầu “Vành đai và Con đường” của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Những năm gần đây, xuất khẩu năng lượng là trọng tâm trong các kế hoạch phát triển của Lào.
“Quyết định này sẽ giúp mạng lưới điện quốc gia Lào có cơ sở thương lượng tốt hơn với các nước trong khu vực và bắt đầu tạo ra lợi nhuận”, một nguồn tin cho biết.
Theo thông tin trên trang web của đại sứ quán Trung Quốc tại Lào, Lào sẽ vận hành đường truyền dẫn điện. Công bố này không nêu chi tiết về cổ phần nhưng cho biết “Lào cũng có thể dần dần mua lại cổ phần trong quá trình vận hành”.
Chủ tịch nước Lào Bounnhang Vorachith phía sau bên trái và Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình trong một ký kết hợp tác. Ảnh: CGTN |
Bộ trưởng Năng lượng và Mỏ của Lào - ông Khammany Inthirath, gọi thỏa thuận trên là một dự án chính mà nước này hưởng lợi từ “thế mạnh về kinh nghiệm, công nghệ và nhân lực” của công ty Trung Quốc.
Theo ông, công ty mới sẽ vận hành theo quy định của chính phủ Lào nhưng vẫn sẽ tận dụng lợi thế của CSG về “sức mạnh tài chính và kinh nghiệm sâu rộng trong việc xây dựng, vận hành và quản lý mạng lưới điện”, Tân Hoa Xã cho biết thêm.
Theo báo Vientiane Times của Lào, công ty EDLT trong tương lai sẽ đầu tư 2 tỷ USD vào lưới điện địa phương và các đường dây quốc tế.
Lào đã đầu tư ngân sách rất nhiều vào các dự án thủy điện, trong đó có nhiều dự án do Trung Quốc tài trợ với mục đích trở thành “nguồn pin của Đông Nam Á”. Tuy nhiên, theo Reuters, các dự án này cùng với đường sắt cao tốc mới của Trung Quốc vẫn đang là tâm điểm của nợ nần.
Tổng đầu tư của Trung Quốc về năng lượng, giao thông, khu vực kinh tế biên giới và các dự án khác tại Lào đã lên đến 10 tỷ USD, theo Tân Hoa Xã trích số liệu từ Lào.
Nợ công tăng cao
Hồi tháng 6, Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính tỷ lệ nợ của Lào sẽ đạt 68% GDP trong năm 2020, tăng lên từ mức 59% của năm ngoái. Hãng đánh giá tín nhiệm Moody's (Mỹ) tháng trước cho biết trong năm 2020, các khoản nợ phải trả đủ của Lào đã lên tới 1,2 tỷ USD, bao gồm các khoản vay từ các ngân hàng thương mại, trái phiếu Thái Lan đáo hạn trong tháng 9 và tháng 10 tới đây. Tuy nhiên, theo ngân hàng Trung ương Lào thì mức dự trữ ngoại hối tính đến tháng 6 năm nay chỉ ở mức 864 triệu USD.
Lào có thể đề nghị Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) giải cứu song hai nhà ngoại giao châu Âu nói với Reuters rằng có lẽ Lào nên tìm giải pháp với Trung Quốc, bởi thỏa thuận với IMF đòi hỏi tính minh bạch tài chính hơn rất nhiều.
Toshiro Nishizawa, một giáo sư người Nhật, người đã cố vấn cho chính phủ Lào về ổn định tài khóa cho biết: “Về mặt kinh tế, Lào sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc và điều này là không thể tránh khỏi.”
Tổng số vốn đầu tư của Trung Quốc vào điện, giao thông, khu kinh tế biên giới và các dự án khác đã lên tới hơn 10 tỷ USD, theo Tân Hoa xã trích dẫn số liệu từ Lào. Đó là khoản đầu tư lớn hơn gấp đôi khoản tiền Lào đã vay từ Thái Lan.
Một nghiên cứu được công bố vào năm 2019 bởi Viện Lowy có trụ sở tại Australia, đưa nợ của Lào đối với Trung Quốc ở mức 45% GDP.
Hiểm họa tiềm tàng
Lào không phải quốc gia duy nhất của Đông Nam Á “trao quyền” cho Trung Quốc vận hành mạng lưới điện quốc gia.
Các công nhân dựng lưới gia cố thanh sắt cho bức tường bê tông của một trạm biến áp ở Manila. |
Những năm gần đây, việc mạng lưới điện lực của Phillippines đang nằm trong sự kiểm soát hoàn toàn của Chính phủ Trung Quốc và Philippines có thể ngay lập tức “chìm trong bóng đêm” nếu hai nước xảy ra xung đột bất ngờ đã trở thành một trong những tiêu điểm gây xôn xao dư luận.
Cụ thể, Tập đoàn truyền tải điện quốc gia Trung Quốc (State Grid Corporation of China) nắm giữ 40% cổ phần tại Tập đoàn truyền tải điện quốc gia Philippines (NGCP) gồm nhiều công ty tư nhân chuyên vận hành các lưới điện của Philippines.
Hồi cuối tháng 11 năm ngoái, các nghị sĩ Philippines đã kêu gọi Chính phủ tiến hành một điều tra về những nguy cơ an ninh có thể xảy đến sau khi có báo cáo cho rằng chỉ các kỹ sư Trung Quốc mới có quyền tiếp cận các bộ phận quan trọng thuộc hệ thống năng lượng của Philippines và về lý thuyết, nguồn điện có thể bị vô hiệu hóa từ xa theo lệnh của Trung Quốc từ nhà máy của Tập đoàn Nari đặt tại Nam Kinh, Trung Quốc.
Cũng lại có những thông tin khác trên truyền thông nói rằng các tài liệu hướng dẫn vận hành, kiểm soát hệ thống đều được in bằng tiếng Trung Quốc và các kỹ sư Philippines không thể vận hành hệ thống này.
(Theo Reuters / Dân Trí)