Trong đợt dịch này, hàng trăm bệnh viện, khu cách ly tập trung, chốt kiểm soát phòng chống dịch ở các địa phương cấp tốc được hình thành và ngành điện, nước sinh hoạt của các tỉnh, thành ở Đông Nam bộ đã chủ động đảm bảo cung cấp điện nước nhanh nhất có thể.
Hàng triệu hộ gia đình khó khăn cũng đã được giảm cước phí điện, nước sinh hoạt. Tuy nhiên, do dịch bệnh và giãn cách xã hội kéo dài, thu nhập giảm, người dân mong muốn được giảm thêm tiền điện, nước để bớt gánh nặng chi tiêu, cuộc sống bớt khó khăn.
Từ đầu đợt dịch bùng phát lần thứ 4 đến nay, ngành điện TP.HCM đã huy động tối đa nguồn lực, triển khai nhanh phương án cấp điện ưu tiên trong vòng 24 giờ kể từ khi nhận được lệnh của thành phố, quận huyện và sau khi được bàn giao mặt bằng để cấp điện phục vụ công tác chống dịch.
Cùng với đó, Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC) cũng giảm giá điện để chia sẻ khó khăn với khách hàng và người dân, đảm bảo các gia đình không bị cắt điện, trường học được duy trì nguồn điện ổn định để việc dạy và học online diễn ra suôn sẻ. Sau 5 đợt giảm giá điện theo chủ trương của Chính phủ, Tổng công ty Điện lực TP.HCM đã giảm khoảng 100 tỷ đồng tiền điện cho khách hàng.
Tương tự như vậy, Tổng công ty cấp nước Sài Gòn (Sawaco) cũng dồn sức thi công gấp rút và đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt cho toàn thành phố, trong đó đặc biệt ưu tiên các bệnh viện điều trị, bệnh viện dã chiến, khu cách ly, khu phong tỏa. Đối với các hộ dân, Tổng công ty giảm 10% trên hóa đơn tiền nước và miễn 100% tiền nước cho các hộ nghèo, cận nghèo, khu cách ly tập trung phòng chống dịch từ tháng 6 đến tháng 9 với tổng số tiền gần 120 tỷ đồng.
“Ngành nước đã chủ động giảm tiền nước trên hóa đơn cho toàn bộ khách hàng trên địa bàn TP.HCM. Chúng tôi đã chia sẻ một khoản chi phí khá lớn để đồng hành cùng nhân dân TP trong lúc khó khăn do dịch bệnh hiện nay”, ông Trần Quang Minh, Tổng Giám đốc Tổng công ty cấp nước Sài Gòn khẳng định.
Tại Bà Rịa- Vũng Tàu, ông Trần Thanh Hải, Phó Giám đốc Công ty Điện lực tỉnh này cho biết, từ tháng 6 đến nay, công ty đã giảm hơn 83 tỷ đồng tiền điện cho các nhóm khách hàng.
“Từ nay đến cuối năm, Công ty điện lực Bà Rịa – Vũng Tàu thực hiện giảm giá điện theo chủ trương chung của Tập đoàn EVN cũng như của Tổng công ty điện lực Miền Nam. Việc giảm giá điện được hỗ trợ theo các đối tượng theo danh sách, các đối tượng này được Công ty sàng lọc theo danh sách do địa phương cung cấp”, ông Hải cho biết.
Cũng nhằm giảm bớt gánh nặng chi tiêu sinh hoạt cho người dân trong thời điểm dịch bệnh, Công ty CP Nước môi trường Bình Dương (Biwase) đã giảm 10% giá nước sạch phục vụ sinh hoạt áp dụng cho hộ gia đình, giảm 31,8% cho cơ quan hành chính sự nghiệp trong tháng 8 và tháng 9/2021 với tổng số tiền khoảng 20 tỷ đồng. Công ty Điện lực Bình Dương cũng đã thực hiện chính sách giảm giá điện với tổng số tiền khoảng 101 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Việt Thắng, một người dân ở phường Hiệp Thành, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương cho biết, dịch bệnh này không đi làm, không có lương mà phải chi rất nhiều khoản nên hầu hết các gia đình đều gặp nhiều khó khăn. Khi được giảm giá điện, giá nước, ai cũng mừng và mong muốn được giảm nhiều hơn.
“Khi không có thu nhập nhưng người dân vẫn phải chi trả mọi chi phí thật sự là gánh nặng, nhất là những người ở trọ tiền để dành dụm không nhiều nên áp lực tài chính rất lớn. Dịch này chưa biết đến khi nào mới kết thúc, ngay cả khi kết thúc cũng chưa chắc đã đi làm được liền nên phải mất thêm một thời gian dài để xin việc, vì thế nhiều người dân cần phải được hỗ trợ nhiều hơn”, ông Thắng bày tỏ.
Ngành điện và nước ở các tỉnh, thành Đông Nam bộ là những doanh nghiệp nhà nước đã có sự đồng hành, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, người dân trong thời điểm dịch bệnh này. Mong rằng, những doanh nghiệp nhà nước này tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò của mình để có thể chia sẻ khó khăn với người dân, doanh nghiệp và đồng hành cùng cả nước chống dịch một cách thiết thực, hiệu quả hơn nữa.