Mới đây, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chỉ đạo Bộ Xây dựng nghiên cứu, trao đổi cụ thể với Công ty CP Tập đoàn Apec Group-đơn vị đề xuất xây dựng 6 - 10 triệu căn NƠXH trong 10 năm tới.
Trước tham vọng của doanh nghiệp này, nhiều chuyên gia tỏ ra băn khoăn với tính khả thi. Ông Nguyễn Quang Huy, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Apec cho biết, nếu nhận được sự ủng hộ từ các bộ, ngành, tập đoàn này sẵn sàng là đơn vị tiên phong đầu tư các khu nhà ở an sinh xã hội 5 sao với quy mô lớn, đáp ứng 5 tiêu chí: Chất lượng cao, thẩm mỹ, sinh thái, thông minh, tiện ích đầy đủ. Diện tích các căn hộ NƠXH từ 25 đến 75m2, giá bán các căn hộ tại Hà Nội, TPHCM từ 13 đến 16 triệu đồng/m2, các tỉnh khác sẽ có giá rẻ hơn từ 9 đến 14 triệu đồng/m2.
NƠXH thiếu so với nhu cầu mục tiêu đề ra vì cơ chế, chính sách liên quan vốn, quỹ đất chưa phù hợp. Ảnh: Như Ý
Với quỹ đất đang được các địa phương giao phát triển nhà ở, khu công nghiệp, Tập đoàn Apec cũng kiến nghị Thủ tướng cho phép chuyển đổi 60 - 100ha tại Cần Thơ, 50ha tại Khu công nghiệp Điềm Thụy B (Thái Nguyên), 200ha tại Hải Phòng để xây dựng các khu NƠXH. “Tại Hà Nội, Tập đoàn Apec cũng đang được thành phố giao nghiên cứu, lập quy hoạch chi tiết 5 khu đô thị NƠXH, với tổng diện tích khoảng 304,6ha, tại các khu vực Gia Lâm, Đông Anh, Thường Tín, Thanh Trì”, ông Huy cho biết thêm.
Tuy nhiên, theo ông Bùi Xuân Dũng, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), hiện tại, bộ đã có văn bản trả lời doanh nghiệp. Về nguyên tắc, bộ ủng hộ doanh nghiệp làm NƠXH nhưng phải nêu rõ phát triển dự án nào, tiến độ ra sao và huy động tiền từ đâu để làm, không nói chung chung được.
Xây NƠXH cho công nhân còn chậm
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 và khó khăn về nguồn vốn, nhiều dự án nhà ở cho người thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp tuy vẫn tiếp tục được triển khai nhưng tiến độ còn chậm.
Cụ thể, bộ này tính toán, trong 9 tháng đầu năm 2021, mới có 8 dự án NƠXH được hoàn thành đưa vào sử dụng. Đến nay, cả nước đã hoàn thành 254 dự án (khoảng 108.800 căn) đang triển khai 271 dự án (khoảng 256.500 căn).
TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đánh giá, trong 10 năm qua, cơ quan nhà nước đặt mục tiêu xây dựng 22,5 triệu m2 sàn NƠXH nhưng thực tế chỉ xây được 17,6 triệu m2. Tuy nhiên, số lượng căn NƠXH đưa vào sử dụng còn có sự lãng phí, nhiều dự án bỏ hoang, xuống cấp nhanh.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị trong Hội nghị Tổng kết ngành xây dựng năm 2021 nhấn mạnh, năm 2022 Bộ Xây dựng tập trung phát triển NƠXH, nhà dành cho người thu nhập thấp, thu nhập trung bình.
Phân tích nguyên nhân khiến kế hoạch phát triển NƠXH trong thời gian qua bị đổ vỡ, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, trước hết là do cơ chế, chính sách thiếu đồng bộ. “Thứ nhất, quy hoạch nhà ở trong khu công nghiệp hay ngoài khu công nghiệp chưa rõ ràng, khiến chủ đầu tư lúng túng khi triển khai dự án. Thứ hai, vấn đề thiếu vốn ưu đãi để phát triển nhà ở và vốn cho người dân vay mua NƠXH. Thứ ba, nhiều địa phương chưa tạo điều kiện về quỹ đất sạch cho các doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội. Thứ tư là các cơ chế ưu đãi chưa hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước và doanh nghiệp, người dân”, TS. Lực nói.
TS. Vũ Đình Ánh cũng nhận định: Những quy định hiện nay liên quan NƠXH đang có rất nhiều vấn đề. Cách làm nhà ở xã hội trong 10 năm qua với những tư duy cũ, cách tiếp cận cũ nên đã thất bại.
Về vấn đề quỹ đất để phát triển NƠXH, ông Ánh cho rằng, tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM quỹ đất phát triển NƠXH phải quy hoạch ở xa trung tâm hơn để tạo thành những đại đô thị lớn, do quỹ đất trong nội đô đã cạn kiệt.