Phía sau câu chuyện khó phát triển thuê bao trả sau không hẳn nằm ở rào cản thủ tục, phí thuê bao hàng tháng hay các chính sách khuyến mại… Có những vấn đề "thầm lặng" đối với thuê bao trả sau mà nhà mạng chưa nói tới.
Thống kê của Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), tính đến hết tháng 2/2018, cả nước có 119,5 triệu thuê bao phát sinh cước, trong đó, thuê bao 2G trả trước là 71 triệu, thuê bao 3G trả trước là 44,4 triệu. Như vậy, số thuê bao trả trước đang là 115,4 triệu, chiếm tới 96,5% tổng số thuê bao điện thoại di động cả nước.
Số thuê bao trả sau, còn lại, chỉ vẻn vẹn 4,1 triệu, chiếm khoảng 3,4%.
Ồn ã trả trước, đìu hiu trả sau
Với số thuê bao trả sau như trên, tính ra, trong tổng số 5 nhà mạng đang hoạt động hiện nay, trung bình mỗi mạng chỉ có chưa đầy 1 triệu thuê bao. Trên thực tế, số lượng thuê bao trả sau này chủ yếu tập trung ở ba nhà mạng lớn là VinaPhone, Viettel và MobiFone.
Tính theo chiều dài lịch sử của ngành viễn thông di động, 25 năm, thì, một ngày các nhà mạng tạo ra 449,3 số thuê bao trả sau. Trong khi đó, số thuê bao di động trả trước là 12.646,6 thuê bao/ngày, bằng 28 lần so với trả sau. Ở những thời điểm tổng số thuê bao di động cao hơn (những năm 2010, 2011), khi con số lên tới trên dưới 170 triệu thuê bao thì số lượng thuê bao trả trước được phát triển mỗi ngày cũng như tỷ lệ của thuê bao này so với trả sau còn cao hơn rất nhiều.
Sự phát triển thuê bao ồ ạt trong suốt thời gian dài từ 2007 – 2014, đặc biệt có những thời điểm như 2010-2011, tổng số thuê bao di động còn vượt khá xa so với tổng dân số (trung bình mỗi người dân có trên 2 số thuê bao điện thoại), là do mục tiêu phổ cập người dùng điện thoại, do vậy các chính sách điều chỉnh, quản lý vẫn chưa chặt chẽ. Nhờ đó các nhà mạng đua nhau phát triển thuê bao mới để mở rộng, chiếm lĩnh thị phần.
Tuy nhiên, trong cơn lốc phát triển thuê bao điện thoại di động thì chủ yếu là thuê bao trả trước, ồn ã với các chương trình khuyến mại, các SIM có tài khoản khủng, còn thuê bao trả sau chỉ đìu hìu, lặng lẽ.
Thực tế, thuê bao trả sau trung thành, ổn định và tạo ra doanh thu (ARPU) cho nhà mạng nhiều hơn, trung bình từ 200 – 300 nghìn đồng/tháng, trong khi đó thuê bao trả trước ARPU chỉ khoảng 50 nghìn đồng, thậm chí chỉ 20-30 nghìn đồng/tháng và đây là cội nguồn của SIM rác, tuy vậy, các mạng vẫn ít quan tâm và không có nhiều chính sách thu hút và phát triển thuê bao trả sau.
Đại diện một nhà mạng (đề nghị không nêu tên) chia sẻ, thực tế không phải nhà mạng không muốn phát triển thuê bao trả sau nhưng trước sức ép về thị phần nên đã đua nhau phát triển thuê bao trả trước, nếu mình đứng ngoài cuộc sẽ bị mất thị phần và bị tụt lại phía ngay. Vị này cũng không giấu giếm, cho biết, các nhà mạng chạy đua phát triển thuê bao như những năm trước đây thực chất là chạy đua phát triển SIM rác, mà đã SIM rác thì chỉ có thể phát triển trả trước, không thể phát triển trả sau được.
Ngại rủi ro từ thuê bao trả sau!
Trong hoạt động kinh doanh, thu được tiền trước bao giờ cũng lợi và hiệu quả hơn là thu sau. Bỏ ngoài yếu tố này, lý do viện dẫn của việc cản trở phát triển thuê bao trả sau lâu nay là do mất phí thuê bao hàng tháng (trung bình là 49 nghìn đồng), thủ tục đăng ký hòa mạng thuê bao phức tạp, và đặc biệt là thuê bao trả sau cũng không có nhiều các chính sách khuyến mại nhiều và lớn như trả trước.
Nhưng bản chất không hẳn vậy. Theo chia sẻ từ đại diện một số nhà mạng thì chi phí để phát triển thuê bao trả sau rất cao, hơn nhiều so với trả trả trước. Ví dụ bỏ ra 1 tỷ để phát triển thuê bao trả sau (quảng cáo, truyền thông, bán hàng…) thì tổng doanh thu sau 1 tháng chỉ khoảng 200 triệu và sau 5 tháng thì "rụng dần" và kết quả là doanh thu không đủ bù đắp chi phí. Trong khi đó, cũng khoản tiền này, nếu "đổ" vào trả trước thì tháng đầu tiền đã có thể thu về 500 triệu, tháng tiếp theo khoảng 300 triệu và coi như đã hòa vốn mục tiêu.
"Bỏ một đồng tiền khuyến mại thì thuê bao trả sau phản hồi ít hơn, đăng ký ít hơn, nhưng cũng đồng tiền đó, thuê bao trả trước lại rất dễ (mức độ phản hồi), đăng ký nhiều, nên dần dần nó bị xu thế lái sang thuê bao trả trước", đại diện nhiều mạng cùng quan điểm.
Lý do thứ hai, quan trọng hơn, là… nợ xấu. Theo lãnh đạo một nhà mạng lớn, do thuê bao trả sau là dùng dịch vụ trước và trả tiền sau nên có nguy cơ bị khách hàng "bùng tiền". Trường hợp này, nếu nhà mạng đi đòi hoặc đi kiện khách hàng thì sẽ tạo ra một dư luận rất xấu trong xã hội. Nhưng nếu không đòi thì "từ một vài đốm nhỏ sẽ lan ra thành ngọn lửa lớn", nhiều người biết thế làm theo, có thể nhân lên, bùng phát và ảnh hưởng trên quy mô diện rộng.
"Phát triển được thuê bao trả sau nhà mạng không phải đã yên tâm mà vấn đề phải thu được cước của khách hàng nữa. Nếu không thu được cước thì nhà mạng coi như... sập tiệm", vị lãnh đạo trên nói. Ông cho biết, các nhà mạng thông thường sẽ duy trì tỷ lệ nợ xấu dưới 2%, còn khi đã vượt lên từ 3-5% là có vấn đề và khó có thể kiểm soát được. Con số nợ xấu trên, tuy không lớn, vì các nhà mạng còn khuyến mại lên tới 50% giá trị thẻ nạp, nhưng theo vị lãnh đạo này, nó kéo theo hàng loạt hệ lụy về sổ sách, giấy tờ, kế toán…
Ông cũng thẳng thắn chia sẻ rằng, cũng bởi lo ngại nợ xấu mà các nhà mạng đã phải "đẻ ra một mớ các thủ tục" và chặt chẽ với rất nhiều ràng buộc trong hợp đồng đối với thuê bao trả sau để tránh nguy cơ bị khách hàng không trả tiền, chứ không mạng nào muốn gây khó cho khách hàng về thủ tục cả.
Gần đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thực hiện những chính sách bước đầu nhằm thúc đẩy phát triển thuê bao trả sau. Ví dụ như chính sách khuyến mại chỉ 20% với thuê bao trả trước và 50% với trả sau (Thông tư 47, có hiệu lực từ 1/3/2018). Sau một thời gian, số thuê bao trả sau phát triển mới là hơn 130 nghìn. Con số này tất nhiên là vô cùng nhỏ và chưa nói lên điều gì bởi theo đại diện một nhà mạng, không làm gì thì số thuê bao trả sau của các nhà mạng cũng phát triển được gần bằng con số này.
Nên điều quan trọng nhất với việc phát triển thuê bao trả sau thực chất là nhà mạng có muốn hay không. Việc thúc đẩy phát triển thuê bao trả sau phải là sự hài hòa giữa các chính sách quản lý, thúc đẩy và vấn đề kiểm soát được rủi ro và hiệu quả trong quản lý dòng tiền, trong hoạt động kinh doanh của nhà mạng như đã phân tích ở trên.