Theo phản ánh của người dân tại đây, cuộc sống của họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi nhà cũ nát không được sửa, có đất thì không được xây phải đi thuê. Vì sao lại như vậy?
Mua đất giãn dân hợp pháp, được thành phố Hà Nội cấp từ năm 1993, ông Dũng cho biết do thiếu tiền nên gia đình ông chỉ đủ tiền xây một căn nhà cấp 4 để ở tạm. Đến năm 2001, khi đã tích góp đủ tiền để xây nhà kiên cố hơn thì bất ngờ nhận được thông báo đất nhà ông nằm trong quy hoạch công viên hồ điều hòa Hạ Đình nên không được phép xây dựng. Từ đó đến nay, gia đình ông vẫn phải sống trong tình trạng tạm bợ.
Cũng mua đất giãn dân hợp pháp nhưng phải đến năm 2021, gia đình bà Vân mới tích góp đủ tiền để xây nhà. Tuy nhiên, khi chuẩn bị xây dựng thì gia đình bà bị yêu cầu dừng do khu đất giãn dân đã thuộc khu quy hoạch .
Người dân sống tại đây cho biết, từ năm 2000 trở về trước, khu vực này đã tồn tại 500 nóc nhà và người dân đã sinh sống ổn định. Thế nhưng không hiểu vì sao, năm 2002, khi làm quy hoạch khu công viên hồ Hạ Đình, UBND Quận Thanh Xuân và Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội lại báo cáo rằng đã nghiên cứu hồ sơ, kiểm tra hiện trạng và xác định khu vực này là đất trống, ao hồ khiến toàn bộ khu dân cư bị quy hoạch thành đất công viên.
Được biết năm 2011, nhận thấy bất cập của quy hoạch này, UBND Phường Hạ Đình và UBND quận Thanh Xuân đã có văn bản báo cáo sở quy hoạch kiến trúc và UBND TP Hà Nội về thực trạng khu đất cũng như việc người dân không đồng thuận với quy hoạch này và cho rằng nếu thực hiện thì chi phí giải phóng mặt bằng và tái định cư cho người dân là rất lớn.
Tuy nhiên, đề xuất này không được xem xét và quy hoạch khu công viên hồ điều hòa vẫn được phê duyệt nhưng không triển khai khiến nhiều năm người dân sống trong cảnh nhà cửa nhếch nhác, khổ sở vì… quy hoạch treo.