Đến bán đảo Thanh Đa ở phường 28, quận Bình Thạnh, TP HCM vào một chiều tháng 9-2018, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là những căn nhà lụp xụp, đường sá và môi trường sống nhếch nhác dù nơi đây không xa trung tâm TP. Từ Thanh Đa nhìn qua sông Sài Gòn là khu Thảo Điền khang trang nên người dân nơi đây chưa bao giờ từ bỏ niềm mơ ước được "giải" quy hoạch treo để bán đảo Thanh Đa tráng lệ không kém gì khu bên kia sông.
Mong "giải" treo hơn cả trúng số
Năm 1992, bán đảo Thanh Đa được quy hoạch thành khu đô thị sinh thái. 26 năm trôi qua, khu đô thị vẫn chưa thấy đâu, chỉ có những căn nhà cũ và nát hơn xưa. "Nhà cửa xuống cấp, dột nát tứ tung, muốn xây mới không được mà muốn sửa, cơi nới cũng chẳng xong. Giờ chúng tôi mong được "giải treo" còn hơn trúng vé số" - bà Trần Thị Hồng (nhà số 558/66/7 Bình Quới) nói.
Quy hoạch ga Bình Triệu (phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức) sau 14 năm mới được cắm mốc và chưa biết khi nào mới phê duyệt dự án Ảnh: SỸ ĐÔNG
Đây cũng là tình cảnh chung của hơn 3.000 hộ dân ở bán đảo Thanh Đa bởi lệnh "giữ nguyên hiện trạng", nhà cửa như thế nào thì nay thế ấy. Nguyên nhân là không thể chuyển mục đích sử dụng đất từ nông nghiệp sang thổ cư. Những hộ có đất thổ cư nhưng muốn xây nhà lại thì phải ký giấy cam kết không yêu cầu bồi thường khi có giải tỏa.
"Bản cam kết này khiến ai cũng sợ, bởi không biết khi nào nhà nước thực hiện quy hoạch. Nếu năm nay xây mà qua năm sau nhà nước giải tỏa thì tiền bạc xây nhà như đổ sông đổ bể nên ít người dám làm liều" - bà Hồng lý giải về những căn nhà xập xệ, cũ nát xung quanh.
Không những thế, quy hoạch treo còn khiến công việc của người dân Thanh Đa bấp bênh, chỉ đủ đắp đổi qua ngày. Anh Hà Quốc Quy (ngụ 480/65/15 Bình Quới) cho biết nhiều người dân ở đây thường tự an ủi mình là "đại gia" bởi có trong tay hàng ngàn mét vuông đất nhưng hiện vẫn phải đi làm thuê kiếm sống qua ngày. Trước khi có quy hoạch, người dân trồng lúa và trồng sen, sau đó trồng mía. Rồi cây lúa, cây mía không nuôi nổi gia đình, người dân đành bỏ hoang đồng ruộng để làm phụ hồ, công nhân. Những năm gần đây, dịch vụ câu cá giải trí và quán ăn gia đình nở rộ dọc đường Bình Quới nhưng chủ quán chủ yếu là người từ nơi khác đến thuê đất, người gốc Thanh Đa chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Bán không được, tách sổ không xong
Chung cảnh ngộ, người dân ở khu phố 5 (phường Linh Trung, quận Thủ Đức, TP HCM) cũng phải sống trong tình cảnh nhà cửa xuống cấp nhưng không được xây mới chỉ vì nằm trong quy hoạch hơn chục năm qua.
Từ Quốc lộ 1 đi vào đường số 18, phía bên trái được quy hoạch làm bãi xe của TP nhưng vẫn chưa triển khai. Phía bên phải, người dân tổ 5 lại bị dính vào quy hoạch xây dựng trường cấp 3. Cách đây 2 năm, khi ngôi trường cấp 3 được xây dựng ở đường số 16, người dân khấp khởi vui mừng bởi có thể sửa sang lại nhà cửa.
Lên phường xem thông tin quy hoạch, anh Nguyễn Huy Lân (ngụ đường số 18) thấy khu mình ở được tô màu nâu và ghi chữ ODT- nghĩa là đất ở đô thị. Cứ tưởng như vậy là có thể xây dựng nhưng khi xin giấy phép thì cán bộ thụ lý trả lời chưa thể cấp phép. "Tôi ở đây được gần 10 năm, con cái ngày càng lớn, muốn có phòng riêng cho con nhưng không được sửa chữa nhà" - anh Lân thở dài.
Theo ghi nhận của phóng viên, những căn nhà xây dựng từ năm 2000 đến nay đã quá xập xệ, tường bong tróc, nhiều vết nứt kéo dài, xà gỗ, trụ gỗ mục nát dù đã qua nhiều lần tu sửa. Chưa kể, mỗi trận mưa lớn, đường bị ngập, nước thải dưới cống trồi lên đen ngòm, bốc mùi hôi thối.
Theo bản đồ dự án quy hoạch năm 2009, khu phố 5 thuộc phường Linh Trung được quy hoạch làm bãi xe TP. Ông Lê Văn Loan, có nhà trong diện quy hoạch, chia sẻ: "Tôi xây nhà từ năm 2000, sau khi làm giấy tờ hợp thức hóa thì không tách đất ra được vì nằm trong quy hoạch. Bây giờ tôi lớn tuổi, muốn tách sổ ra cho con cái hay bán cũng không làm được".
Cắm mốc rồi... để đó
Năm 2002, người dân ở các khu phố 2, 6, 7 thuộc phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức đã nghe về việc nhà nước sẽ mở rộng ga Bình Triệu thành khu đầu mối hạ tầng kỹ thuật cấp đô thị. Tuy nhiên, đến cuối năm 2016, ngành đường sắt mới bỏ ra hơn 2 tỉ đồng để cắm mốc ngoài thực địa. Những tưởng có mốc rồi thì sẽ thực hiện nhưng người dân đi hỏi từ phường đến quận đều nhận được câu trả lời "chưa biết khi nào".
Con đường số 4 trước đây ngập ngang gối, sau đó người dân hùn tiền mua xà bần, đá dăm đổ lên để đi tạm. Ngay cả khoảnh đất ở các đường ray không sử dụng cũng được người dân xới lên trồng rau để ăn, còn dư thì đem bán.