Kết quả báo cáo quốc gia của Việt Nam về tái hòa nhập thị trường lao động cho người lao động (NLĐ) di cư cho thấy xét về kỹ năng, phần lớn NLĐ hồi hương có trình độ cao hơn về kỹ năng và tính chuyên nghiệp cũng như trình độ ngoại ngữ. Lao động trở về có nhiều lợi thế so với những lao động khác, đặc biệt là về các kỹ năng mềm, kinh nghiệm làm việc quốc tế, phong cách làm việc công nghiệp và kỷ luật làm việc cao. Các chuyên gia nhân sự cho rằng nếu tận dụng được nguồn nhân lực này, doanh nghiệp (DN) sẽ có được đội ngũ nhân sự lành nghề, thuận lợi khi chuyển giao công nghệ sản xuất.
Kỹ năng vượt trội
Trở về nước sau 5 năm làm việc tại Nhật Bản, anh Bùi Minh Luận (quê Vĩnh Long) nhanh chóng tìm được việc làm phù hợp với chuyên môn của mình. Anh Luận hiện đang làm kỹ sư bảo trì cho một DN có vốn đầu tư của Nhật Bản tại TP HCM với mức lương hơn 15 triệu đồng/tháng. "Công việc hiện tại không cách biệt mấy so với lúc tôi làm ở Nhật Bản. Do đã quen với tác phong làm việc với người Nhật nên tôi cũng dễ dàng hòa nhập" - anh Luận thông tin.
Từng là thực tập sinh, ông Nguyễn Ngọc Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH MTV V.N.T Việt Nam (gia công cơ khí chính xác; huyện Củ Chi, TP HCM), cho rằng lao động về nước, đặc biệt là lao động trong lĩnh vực kỹ thuật, là nguồn nhân lực rất chất lượng. Họ được làm việc tại các nước có nền kỹ thuật, công nghệ hiện đại, tiên tiến nên khi về nước, họ đóng góp rất nhiều bằng kinh nghiệm, kỹ năng và chất xám của mình cho các DN Việt Nam.
Nhiều năm qua, công ty ông Hiếu thường xuyên tuyển dụng thực tập sinh về nước bởi lực lượng này có kỹ năng lao động và ngoại ngữ tốt. Họ cũng là lực lượng nòng cốt chịu trách nhiệm kèm cặp thợ trẻ tại công ty. "Nhờ tận dụng nguồn lực này mà công ty không bị thiếu hụt đội ngũ kế thừa, chất lượng sản phẩm cũng cải thiện rõ rệt" - ông Hiếu tự hào.
Theo bà Trần Thị Hồng Nhung, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Nosco Shipyard (tỉnh Quảng Ninh), lao động kỹ thuật rất khó tuyển dù mức lương mà công ty đưa ra khá cao so với mặt bằng chung. Mức lương mà DN này trả cho kỹ sư từ 15 đến 39 triệu đồng/tháng, công nhân (CN) kỹ thuật 25 triệu đồng/tháng cùng nhiều chế độ đãi ngỗ về ăn ở, đi lại.
"Năm ngoái, chúng tôi cần tuyển khoảng 500 CN kỹ thuật, 200 kỹ sư và quản lý nhưng tìm không ra. Tìm người đủ điều kiện rất khó nên chúng tôi chỉ còn cách hợp tác với các cơ sở đào tạo và săn đón lao động về làm cùng ngành về nước" - bà Nhung cho hay.
Kết nối việc làm
Sau nhiều năm hợp tác tuyển dụng cho các DN Nhật Bản, Hàn Quốc, bà Đỗ Thùy Linh, Phó Giám đốc Công ty CP Kết nối nhân lực Work Link, cho biết các công ty của Hàn Quốc, Nhật Bản tại Việt Nam rất quan tâm đến lao động từ nước ngoài trở về. Tuy đầu tư tại Việt Nam nhưng các cấp quản lý đa phần là người Nhật, người Hàn, vì vậy họ ưu tiên tuyển những người biết tiếng Nhật, Hàn để thuận lợi trong công việc. NLĐ biết tiếng còn là cầu nối giữa quản lý người nước ngoài và CN trực tiếp sản xuất và thường được đào tạo để trở thành quản lý trong tương lai.
Cũng theo bà Linh, đa phần các DN Nhật Bản, Hàn Quốc đầu tư tại Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nên đặt hàng tuyển dụng lao động kỹ thuật rất nhiều. Cái khó hiện nay là việc kết nối với số lao động hết hạn hợp đồng về nước gặp nhiều khó khăn. Thêm nữa là mặt bằng lương trong nước không cao như kỳ vọng nên cũng chưa hấp dẫn được lao động về nước" - bà Linh nói.
Cũng theo bà Linh, tuy có nhiều lợi thế nhưng nhiều lao động về nước thiếu bằng cấp, chứng chỉ nên được bố trí công việc thấp hơn, nhận lương cũng thấp hơn. Do vậy, trong thời gian làm việc ở nước ngoài, NLĐ cần cố gắng học hỏi và thi để lấy các chứng chỉ liên quan đến công việc thì khi về nước, công việc và thu nhập sẽ tăng cao.
Trong khi đó, ông Đặng Huy Hồng, Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), cho biết công tác hỗ trợ, kết nối, giới thiệu việc làm cho NLĐ về nước luôn được bộ quan tâm và chỉ đạo thực hiện quyết liệt nhằm tận dụng nguồn nhân lực chất lượng cao này. Trong năm 2022, trung tâm đã tổ chức 6 phiên giao dịch việc làm trực tiếp kết hợp trực tuyến cho nhóm lao động từ Hàn Quốc, Nhật Bản về nước.
Các phiên giao dịch việc làm đã thu hút được sự tham gia của 258 DN có vốn đầu tư của Hàn Quốc, Nhật Bản tại Việt Nam, được gần 2.000 lao động tham gia ứng tuyển. Dự kiến trong năm nay, trung tâm sẽ đẩy mạnh và mở rộng các phiên giao dịch việc làm, đồng thời phối hợp với Cục Việc làm, Văn phòng quốc gia về giảm nghèo để có nguồn kinh phí dành cho các hoạt động hỗ trợ giới thiệu việc làm cho NLĐ về nước.
Hỗ trợ lao động đi làm việc ở nước ngoài
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Trà Vinh ngày 16-2 cho biết từ đầu năm đến nay, có 159 lao động được xuất cảnh sang các thị trường Nhật Bản (136 người), Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc, đạt gần 18% chỉ tiêu năm 2023. Hiện toàn tỉnh có 800 lao động hoàn thành các hồ sơ, thủ tục xuất khẩu lao động (XKLĐ), trong đó có hơn 400 lao động đã có lịch bay trong tháng 2 và 3-2023.
Tỉnh Trà Vinh là địa phương có nhiều chính sách ưu đãi cho người XKLĐ như: vay vốn tín chấp, hỗ trợ không hoàn lại một phần chi phí khám sức khỏe, hộ chiếu, visa, lý lịch tư pháp, học ngoại ngữ, học nghề và ăn ở trong thời gian học... Năm 2022, toàn tỉnh có 915 người đi XKLĐ,