Hàng trăm khách hàng mua đất bằng hình thức góp vốn tại dự án của Công ty CP Phát triển nhà Ô Cấp (Công ty Ô Cấp) có trụ sở tại phường 7, TP Vũng Tàu do ông Hoàng Huy Hiển làm tổng giám đốc đang đứng ngồi không yên khi tiền đã đóng nhưng không nhận được sổ đỏ, hiện công ty đã thế chấp tài sản tại ngân hàng và đang trên bờ vực phá sản.
Đóng tiền nhưng không có sổ đỏ
Theo đơn kiến nghị của gần 300 hộ dân gửi UBND huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thì năm 2012, ông Hiển thay mặt Công ty Ô Cấp ký kết hợp đồng bán cho họ các lô đất tại dự án khu dân cư số 1 Tây Nam, thị trấn Long Điền, huyện Long Điền do chính công ty làm chủ đầu tư. Dự án này được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 vào năm 2004. Các khách hàng đã thanh toán từ 75% đến 90% giá trị của lô đất cho công ty.
Người dân đang xây tường bao lại vị trí đất đã thỏa thuận trong hợp đồng góp vốn
Theo hợp đồng, sau 24 tháng kể từ ngày ký, Công ty Ô Cấp có trách nhiệm giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) (sổ đỏ) và khách hàng sẽ thanh toán hết số tiền còn lại. Tuy nhiên, sau khi được cơ quan chức năng cấp giấy CNQSDĐ cho toàn dự án thì công ty không thực hiện các điều khoản trong hợp đồng góp vốn mà tự ý đưa tài sản đi thế chấp tại các ngân hàng. Tới nay, đã 7 năm kể từ khi ký hợp đồng, người dân vẫn chưa nhận được chủ quyền đất mà mình đã mua.
Lãnh đạo Công ty Ô Cấp cung cấp những hồ sơ liên quan đến dự án
Kể với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Phạm Quang Kim (ngụ phường 9, TP Vũng Tàu) cho biết ông ký hợp đồng góp vốn vào công ty mua 2 nền và thanh toán đến 95% giá trị hợp đồng, tổng cộng 641 triệu đồng. Tuy nhiên, nhiều năm trôi qua vẫn không hề nhận được sổ đỏ dù đã biết vị trí đất, số thửa và thực địa tại dự án. "Chúng tôi đã nhiều lần yêu cầu gặp lãnh đạo Công ty Ô Cấp để giải quyết nhưng vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng. Nhiều hộ dân mong muốn được lấy lại đất đã ký kết trong hợp đồng" - ông Kim bức xúc.
Tương tự, ông Lê Viết Quốc Chung (ngụ TP Vũng Tàu) đã mua một nền tại lô EIII của dự án, đã góp đến 90% giá trị hợp đồng, công ty cam kết sau 24 tháng sẽ bàn giao nền và sổ đỏ nhưng đến tháng 3-2014, phía công ty mới bàn giao đất nền. Còn giấy CNQSDĐ từ đó đến nay, nhiều lần ông và gia đình đến gặp đại diện công ty để hỏi nhưng chỉ được người đại diện khất và hứa.
Do có nhu cầu về nhà ở, gia đình ông Chung đã xin cấp tạm một căn nhà tại miếng đất nói trên mặc dù chưa có sổ đỏ. "Gần đây, chúng tôi thấy có nhiều người làm nghề môi giới nhà đất lấy danh nghĩa công ty nào đó dẫn khách đến giới thiệu và bán chồng lấn lên các nền mà người dân đã mua của Công ty Ô Cấp từ trước gây nên cảnh náo loạn, lộn xộn tại khu vực này" - ông Chung lo lắng.
Cho rằng Công ty Ô Cấp có dấu hiệu lừa đảo, không làm sổ đỏ cho người dân mà giao lại dự án cho người khác nên vào ngày 8-11, những người mua đất của Công ty Ô Cấp đã đến dự án và dùng sơn đỏ đánh dấu lại những vị trí đất mà công ty đã bàn giao cho họ trên hợp đồng. Nhiều người còn thuê thợ đến xây tường bao quanh lô đất với mục đích cảnh báo những người đến mua rằng "đất đã có chủ".
Công ty khẳng định không lừa đảo
Trước những lo lắng của hàng trăm khách hàng, phóng viên đã liên hệ với ông Hoàng Huy Hiển và ông này khẳng định rằng Công ty Ô Cấp không hề lừa đảo. Từ đó đến nay, công ty vẫn làm dự án thật nhưng đang gặp khó khăn và đang trên bờ vực phá sản.
Để chứng minh công ty mình không lừa đảo, ông Hiển cung cấp những hồ sơ pháp lý và tiến độ triển khai dự án. Còn việc công ty bên bờ vực phá sản có nhiều lý do trong đó khó khăn đến từ những vướng mắc trong quá trình thu hồi khoảng 5,7 ha đất mà công ty đã đền bù 100%. Công ty đã từng có nhiều văn bản kiến nghị chính quyền địa phương giải quyết sớm 2 vị trí đất này để gấp rút nộp tiền chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho nhà nước nhưng không được.
Theo ông Hiển, dự án của công ty có khoảng 1.200 nền với 950 khách hàng là cổ đông góp vốn. Mỗi cổ đông góp từ 50% đến 90%, một số đã đóng 100% số tiền ghi trong hợp đồng. Tính đến tháng 12-2011, công ty đầu tư vào dự án tổng cộng 267 tỉ đồng, bao gồm số tiền của 950 khách hàng và các cổ đông trong công ty.
Đến nay, sau nhiều năm bị ngưng trệ, số tiền gốc và lãi ngân hàng của Công ty Ô Cấp đã lên đến 130 tỉ đồng, công ty không còn khả năng chi trả và bị dính vào nợ xấu nên không thể tiếp tục tách sổ đỏ cho những cổ đông khác.
Bà Tăng Kim Huệ - Phó Giám đốc Công ty Ô Cấp, cho biết vẫn đang tìm những nguồn đầu tư để tiếp tục triển khai dự án. Trong khi chờ đợi, những khách hàng có nhu cầu nhận lại tiền thì công ty sẽ giải quyết thanh lý cho họ rút vốn không tính lãi, tức đóng vào bao nhiêu sẽ rút ra bấy nhiêu.
Đối với những trường hợp có sổ đỏ, công ty sẽ thương lượng với người mua tài sản ở ngân hàng để xin lấy lại sổ với giá thỏa thuận và trả lại cho khách hàng. Riêng với những khách hàng chưa có sổ, công ty sẽ cùng nhà đầu tư mới tiếp tục triển khai dự án này. "Ngày 15-11 này, chúng tôi sẽ làm việc với một số khách hàng, trong đó có 100 khách hàng đã đồng ý rút vốn không tính lãi. Công ty sẽ giải quyết cho người dân để không mang tiếng là lừa đảo" - bà Huệ phân trần.
Đã bị ngân hàng phát mãi
"Đến thời điểm hiện tại, công ty đã tách ra được 387 sổ đỏ và giao cho 212 khách hàng. Số còn lại vẫn còn thế chấp tại các ngân hàng. Tuy nhiên, vừa qua, ngân hàng đã phát mãi tài sản là những vị trí đất mà công ty đã thế chấp và đã có chủ đầu tư khác mua lại" - ông Hiển thông tin.