Tái khởi động du lịch, DN gặp khó khăn khi làm thủ tục xin visa nhập cảnh cho khách quốc tế vì còn nặng nhiều quy định thời kỳ chống dịch.
Xin visa mà trần ai
Một nhóm khách chuyên gia quốc tế mới đây quá cảnh tại sân bay Singapore, xin visa vào Việt Nam mà quá đỗi gian nan. Công ty du lịch phải hỏi các cơ quan, gửi văn bản xin chính quyền địa phương rồi mới có được danh sách visa nhập cảnh.
Ông Nguyễn Khoa Luân - Giám đốc Công ty Du lịch Ảnh Việt Hop On - Hop off Việt Nam, kể lại câu chuyện trên và miêu tả hành trình xin visa đã trải nghiệm.
“Chúng ta vẽ có thể vẽ ra một bức tranh rất đẹp về du lịch hồi sinh hậu Covid-19 nhưng vào đâu có dễ. Với cách vận hành hiện nay thì khách không thể đến nổi. Rà soát yêu cầu y tế, thủ tục ngao ngán luôn”, ông Luân nói.
Cũng theo ông Luân, hiện nay, Việt Nam đang cấp visa theo kiểu thủ công. Ví dụ, một du khách ở Paris (Pháp) có thể tiện đến Đại sứ quán Việt Nam ở gần đó xin visa được, còn người ở các vùng khác của Pháp muốn có visa lại phải chạy xe tới Paris xin rồi đi về, đợi ngày quay lại lấy. Mất thời gian.
Việc xin visa nhập cảnh ngay cả với chuyên gia cũng không dễ dàng (ảnh: nhóm khách quốc tế tới Việt Nam năm 2019) |
Trong khi đó, Giám đốc Công ty Image Travel - ông Nguyễn Ngọc Toản - cho hay, chính sách đang cấp là dạng visa vào 1 lần, gây bất tiện.
Ví dụ, một khách Pháp bay tới Việt Nam để đi du lịch, sau đó sang Campuchia. Sau khi kết thúc hành trình tại quần thể nổi tiếng Angkor (Xiêm Riệp - Campuchia), người này có hai lựa chọn để về nhà. Một là quay lại Việt Nam, hai là tới sân bay Bangkok (Thái Lan). Tuy nhiên, khi nhập cảnh vào Việt Nam, du khách lại mất thêm phí visa, thời gian làm thủ tục bởi chính sách cấp thị thực chỉ có giá trị một lần của chúng ta. Còn nhập cảnh vào Thái Lan không mất gì.
Với lý do đó, du khách sẽ chọn ngủ tại Bangkok và sáng hôm sau bay về Pháp. Điều này khiến du lịch Việt Nam mất đi nguồn thu từ một đêm lưu trú và sử dụng dịch vụ của khách quốc tế.
Miễn visa như trước dịch và tăng độ mở
Cũng liên quan tới chính sách visa, bà Huỳnh Phan Phương Hoàng - Phó Tổng Giám đốc Vietravel - cho rằng, sắp tới thời điểm mở cửa du lịch ngày 15/3 nên nhà chức trách cần thực hiện nhanh việc miễn thị thực đơn phương và song phương như trước đại dịch Covid-19. Đây là điều kiện để kích cầu du khách đến Việt Nam.
Ông Nguyễn Khoa Luân đồng quan điểm, chính sách visa phải thông thoáng, thuận tiện mới có thể cạnh tranh, hút khách được.
Ví dụ, một trong các quốc gia thu hút đông khách quốc tế là Thổ Nhĩ Kỳ, du khách có thể cầm visa điện tử, trình hộ chiếu và nhập cảnh luôn. Campuchia cũng mở cửa rất mạnh. Không lý gì chúng ta cứ đưa hết quy định này đến quy định khác, làm rào cản khiến khách du lịch khó vào Việt Nam.
Muốn khôi phục và phát triển du lịch thì chính sách visa cần phải cởi mở (ảnh: Trần Chung) |
TS.Lương Hoài Nam - Thành viên hội đồng tư vấn Du lịch quốc gia - phân tích, muốn hồi sinh du lịch bắt buộc khôi phục toàn bộ chính sách visa có trước dịch Covid-19. Dẫu vậy, khôi phục như cũ chưa đủ mà cần mở rộng danh sách các quốc gia được miễn visa. Việt Nam hiện miễn visa cho 24 quốc gia, đây là mức độ cởi mở về visa rất nhỏ so với các nước khác hoặc các điểm đến cạnh tranh về du lịch.
Ở khu vực lân cận, Thái Lan đã miễn visa cho 64 nước; Singapore miễn cho khoảng 120-130 nước; Indonesia và Malaysia miễn cho khoảng hơn 150 nước.
Trong khi đó, chúng ta hoàn toàn có thể miễn visa cho toàn bộ các quốc gia khối EU. Tại sao miễn visa cho Đức, Pháp mà không miễn được cho Cộng hòa Séc, Hungary, Ba Lan? Úc và New Zealand cũng phù hợp để bổ sung vào danh sách.
Đối với hai thị trường khổng lồ về du lịch là Trung Quốc và Hoa Kỳ, Việt Nam hoàn toàn có thể đàm phán về quy chế visa dài hạn nhiều năm, như 5 năm hoặc 10 năm. Chính Trung Quốc và Hoa Kỳ đang cấp visa dài hạn 10 năm lẫn nhau.
Bản thân người Việt đi ra nước ngoài cũng được Canada cấp visa 10 năm, được Hàn Quốc cấp visa 5 năm thì tại sao chúng ta không thể áp dụng, xem xét chính sách visa dài hạn nhiều năm đối với một số quốc gia chưa thể miễn visa đơn phương ngay bây giờ.
“Để phát triển du lịch thì chính sách visa phải thực sự cởi mở. Ít nhất phải được như Thái Lan, còn nếu tiếp tục trói nhau như hiện tại thì rất khó”, ông Nam khẳng định.
Trần Chung