Hôm 9/8, công ty thương mại điện tử lớn nhất Thổ Nhĩ Kỳ, Trendyol cho biết đã huy động thành công 1,5 tỷ USD từ các nhà đầu tư toàn cầu, bao gồm SoftBank Vision Fund 2 và General Atlantic, nâng mức định giá của công ty thuộc Alibaba Group lên 16,5 tỷ USD.
Trong một tuyên bố, Trendyol cho biết, khoản vốn này giúp công ty trở thành "siêu kỳ lân" (decacorn) đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ - cách gọi các startup có định giá hơn 10 tỷ USD.
Tuyên bố cũng cho biết, đây là khoản đầu tư đầu tiên mà quỹ đầu tư của SoftBank, Nhật Bản dành cho một công ty của Thổ Nhĩ Kỳ. SoftBank cũng là nhà đầu tư ban đầu của Alibaba và tập đoàn thương mại điện tử Hàn Quốc Coupang.
"Là một nhà đầu tư vào các nền tảng thương mại điện tử trên toàn cầu, chúng tôi rất vui mừng được hợp tác với Trendyol và mong muốn đồng hành cùng startup với tư cách là công ty hàng đầu mới nổi về kỹ thuật số của khu vực EMEA", Anthony Doeh, đối tác của SoftBank Investment Advisers, chia sẻ trong tuyên bố. EMEA bao gồm châu Âu, Trung Đông và châu Phi.
Demet Suzan Mutlu, nhà sáng lập Trendyol cho biết, công ty sẽ sử dụng nguồn vốn huy động được để phát triển ra phạm vi quốc tế đồng thời tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng, công nghệ và hậu cần trên toàn quốc cùng hoạt động đẩy nhanh quá trình số hóa các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong khi đó, Chủ tịch Trendyol Evren Ucok chia sẻ, công ty sẽ nỗ lực trở thành doanh nghiệp hàng đầu trong thị trường thương mại điện tử của khu vực EMEA bằng cách sử dụng nguồn nhân lực trẻ, tài năng và vị trí chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo nền tảng phân tích đầu tư Startups.watch, Trendyol đã đạt mức định giá 9,3 tỷ USD vào tháng 3 khi Alibaba đầu tư 350 triệu USD. Với tỷ lệ này, cổ phần của Alibaba trong Trendyol đã nâng lên khoảng 87%.
Trendyol là "siêu kỳ lân" đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Trendyol
Startup tỷ USD và hành trình lột xác
Trendyol được thành lập vào năm 2010 hoạt động như là một trang mua sắm thời trang trực tuyến. Nhà sáng lập Mutlu từng làm việc cho Procter & Gamble và Deloitte, bỏ học trường Kinh doanh Harvard để thành lập Trendyol sau khi nhận thấy những cơ hội kinh doanh tiềm năng ở quê nhà.
Alibaba đã mua lại hơn 80% cổ phần của Trendyol vào năm 2018 bằng cách rót 728 triệu USD vào công ty khởi nghiệp. Dù bị mua lại phần lớn, Mutlu và các giám đốc bộ phận của công ty vẫn tiếp tục điều hành Trendyol. Gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc đã và đang định hướng cách thức để Trendyol thu hút các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào thị trường trực tuyến của công ty, cũng như củng cố mạng lưới hậu cần và chiến lược quảng cáo.
Trong quá trình này, Trendyol đã phát triển từ một trang web tập trung vào thời trang thành một nền tảng thương mại điện tử khổng lồ bán mọi thứ từ thực phẩm và đồ nội thất đến đồ điện tử tiêu dùng.
Theo thông tin của công ty, nền tảng TMĐT có hơn 120.000 công ty và 40 triệu sản phẩm tham gia hoạt động. Trendyol dự đoán sẽ có 330.000 công ty trên nền tảng của mình vào năm 2023.
Trendyol đã tăng hơn gấp đôi số lượng người dùng hoạt động vào năm ngoái lên 19,3 triệu và tăng số lượng đơn đặt hàng trung bình cho mỗi khách hàng khoảng 50% so với năm 2019 lên 26,8 đơn/ người vào năm 2020 trong bối cảnh đại dịch Covid 19 thúc đẩy nhu cầu thương mại điện tử.
Trendyol hiện đang "phục vụ hơn 30 triệu người mua sắm và phân phối hơn một triệu gói hàng mỗi ngày" và đã "phát triển thành công thành một siêu ứng dụng."
Startup tự mô tả là có một nền tảng thương mại "cung cấp giải pháp giao hàng chặng cuối của riêng mình" có tên gọi Trendyol Express. Công ty cũng tự hào có dịch vụ giao hàng tạp hóa và thực phẩm bằng mạng lưới chuyển phát nhanh Trendyol Go và có ví kỹ thuật số, Trendyol Pay, cùng các các dịch vụ khác.
Tổng giá trị hàng hóa của công ty - thước đo giá trị tiền tệ của các sản phẩm được bán trên thị trường - đã tăng gấp 20 lần trong 3 năm qua và dự kiến đạt 10 tỷ USD trong năm nay, theo Bloomberg.
Nhà sáng lập là nữ doanh nhân cùng xuất phát điểm là một công ty thương mại điện tử thời trang hàng đầu giúp Trendyol có được lượng khách hàng lớn và trung thành, đặc biệt là nữ giới, chiếm 60% số lượng khách hàng. Theo một cuộc thăm dò do Cơ quan Cạnh tranh Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện, gần 70% phụ nữ ở quốc gia này coi Trendyol là trang thương mại điện tử thời trang ưa thích hàng đầu của họ và gần 60% sử dụng để mua sắm mỹ phẩm và hàng hóa chăm sóc cá nhân.
Công ty cũng đã theo đuổi việc mở rộng ra quốc tế, bắt đầu bán các sản phẩm thời trang ở nước ngoài tại 27 quốc gia châu Âu từ tháng 10/2020.
Ngành thương mại điện tử bùng nổ
Ngành thương mại điện tử của Thổ Nhĩ Kỳ đang phát triển nhanh chóng. Theo Bộ Thương mại, thị trường thương mại điện tử quốc gia này tăng 66% vào năm 2020, đạt 226 tỷ lira Thổ Nhĩ Kỳ (26 tỷ USD). Số lượng đơn đặt hàng tăng mạnh 68%, đạt gần 2,3 tỷ đơn, trong đó doanh thu bán lẻ chiếm 64% toàn thị trường.
Dữ liệu của Bộ Thương mại Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho thấy, 75% hoạt động mua sắm thương mại điện tử được thực hiện trên thiết bị di động. Hiệp hội các nhà khai thác thương mại điện tử của Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến quy mô thị trường sẽ đạt 400 tỷ lira trong năm nay.
Không chỉ có Trendyol nhìn thấy cơ hội ở Thổ Nhĩ Kỳ, Hepsiburada, đối thủ cạnh tranh hàng đầu của startup, cũng đã được định giá 3,9 tỷ USD trong đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng vào tháng 7. Đây cũng là công ty Thổ Nhĩ Kỳ đầu tiên niêm yết trên Nasdaq với mức định giá trên. Một công ty lớn khác trên thị trường trực tuyến, n11.com - liên doanh giữa một công ty con của SK Group của Hàn Quốc và đối tác Thổ Nhĩ Kỳ Dogus Holding - đã nộp đơn lên chính quyền trong nước để được IPO ở Thổ Nhĩ Kỳ vào cuối tháng 5.
Theo dữ liệu thị trường của Euromonitor, năm 2020, Trendyol nắm giữ hơn 33% thị trường thương mại điện tử của Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi Hepsiburada xếp theo sau với 11% và n11.com là 8%. Trong khi đó, gittigidiyor.com của eBay xếp thứ 4 với 4,4%. Gã khổng lồ Amazon của Mỹ, tham gia vào thị trường Thổ Nhĩ Kỳ ngay sau Trendyol vào năm 2018, chỉ chiếm chưa đến 1% thị trường, không lọt vào top 5.
Theo chân Trendyol, công ty khởi nghiệp Getir của Thổ Nhĩ Kỳ, tiên phong trong việc giao hàng trong 10 phút, đã đạt mức định giá 7,5 tỷ USD vào tháng 6 thông qua vòng gọi vốn mới nhất là 555 triệu USD. Công ty đã tăng giá trị gần gấp 10 lần kể từ tháng 1 thông qua các vòng tài trợ. Công ty đang nhanh chóng mở rộng ra các thị trường nước ngoài như London, Paris, Berlin và Amsterdam.
Getir mua lại đối thủ Tây Ban Nha Blok vào tháng 7, giành quyền kinh doanh ở các thành phố Barcelona, Madrid, Milan và các thành phố khác. Người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Nazim Salur cho biết công ty đặt mục tiêu khai thác thị trường Mỹ vào cuối năm nay.
Với mức định giá như hiện tại, Getir có thể trở thành "siêu kỳ lân" thứ 2 của Thổ Nhĩ Kỳ sau Trendyol.