Theo báo cáo tài chính kiểm toán 2019, Agribank ghi nhận tổng tài sản đạt gần 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 13% so với đầu năm.
Cho vay khách hàng đạt hơn 1,1 triệu tỷ đồng, tăng 11%. Chia theo lĩnh vực, dư nợ cho vay lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ôtô, môtô, xe máy và xe có động cơ khác chiếm tỷ trọng hơn 28%, tương đương 314.582 tỷ đồng. Mảng nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản xuống vị trí thứ 2 về tỷ trọng trong cơ cấu dư nợ, chiếm 26,9% với gần 302.158 tỷ đồng (đầu năm dẫn đầu chiếm hơn 28% tổng dư nợ).
Một số lĩnh vực khác có dư nợ lớn gồm hoạt động làm thuê công việc trong các hộ gia đình, sản xuất, sản phẩm vật chất và dịch vụ tự tiêu dùng của hộ gia đình chiếm 14,7%, với 165.147 tỷ đồng; dịch vụ khác hơn 91.371 tỷ đồng, chiếm 8%; công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 7,6%, với 85.567 tỷ đồng.
Xét theo đối tượng vay, kinh doanh cá thể vẫn là khách hàng cho vay chính của Agribank với dư nợ 782.110 tỷ đồng, chiếm 69,71%, còn lại là các tổ chức kinh tế.
Lãi trước thuế Agribank tăng 92% trong năm 2019. Ảnh: Agribank.
Mặt khác, tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước của Agribank tăng 2 lần lên 93.636 tỷ đồng, trong khi tiền gửi và cho vay các tổ chức tín dụng khác hơn 74.433 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm.
Ở thời điểm cuối 2019, nợ xấu của ngân hàng ở mức 1,56% giảm 4 điểm cơ bản so với đầu năm. Tuy nhiên, nợ có khả năng mất vốn tăng gần 3.170 tỷ đồng lên 12.398 tỷ đồng, chiếm 1,12% dư nợ, tăng so với mức 0,92% đầu năm.
Bên cạnh đó, Agribank ghi nhận tài sản có khác gần 23.844 tỷ đồng. Riêng các khoản phải thu gần 9.998 tỷ đồng, bao gồm khoản tham ô, xâm tiêu của cán bộ, nhân viên tổ chức tín dụng hơn 518 tỷ đồng. Các khoản lãi, phí phải thu là hơn 12.932 tỷ đồng.
Tiền gửi khách hàng đến cuối 2019 gần 1,27 triệu tỷ đồng, tăng 15% so với đầu năm. Năm 2019, ngân hàng lãi trước thuế 14.116 tỷ đồng, tăng 92% so với đầu năm.
Agribank là ngân hàng 100% sở hữu Nhà nước nên vốn điều lệ chỉ có thể được bổ sung từ ngân sách. Tuy nhiên, ngân hàng chưa được tăng vốn điều lệ trong 9 năm qua khiến tốc độ tăng vốn điều lệ luôn thấp hơn tốc độ tăng tổng tài sản, tỷ lệ an toàn vốn sụt giảm mạnh và thấp hơn rất nhiều so với mức bình quân.
Nếu tính theo chuẩn mực vốn Basel II, tỷ lệ an toàn vốn tại cuối năm 2019 chỉ đạt 7,3%, tại cuối tháng 3 chỉ đạt 6,9% - không bảo đảm yêu cầu vốn tối thiểu 8% theo quy định.
Do chưa đáp ứng chuẩn Basel II, Agribank đang thực hiện tỷ lệ an toàn vốn theo quy định của Thông tư 22. Vốn điều lệ của Agribank hiện đạt 30.591 tỷ đồng, tỷ lệ an toàn vốn vào cuối 2019 là 9,2%, cận kề ngưỡng tối thiểu theo quy định (9%) tại Thông tư 22.
Trong kỳ họp Quốc hội lần này, Chính phủ dự kiến sẽ trình thông qua việc bổ sung vốn điều lệ cho Agribank.