Thương vụ đầu tư vào "siêu dự án khoáng sản" Núi Pháo của Tập đoàn Masan không khỏi khiến giới đầu tư xôn xao, ví đây như là "canh bạc" tỷ USD của "đại gia" hàng tiêu dùng. Tiềm năng của Núi Pháo là rất lớn khi trữ lượng quặng ước tính lên tới khoảng 83 triệu tấn (bao gồm: vonfram, florit, bismut và đồng), xứng đáng là dự án khai khoáng số 1 thế giới ngoài Trung Quốc.
Tập đoàn Masan hiện đang sở hữu và đầu tư vào dự án này thông qua CTCP Tài nguyên Masan (Mã CK: MSR) - đơn vị nắm giữ 100% vốn của công ty trực tiếp khai thác mỏ Núi Pháo là Công ty TNHH Khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo (NPMC).
Khoản đầu tư của MSR tại NPMC lại thông qua 2 công ty con, đó là: Công ty TNHH MTV Thương Mại và Đầu tư Thái Nguyên và Công ty TNHH MTV Tài Nguyên Masan Thái Nguyên (với tỷ lệ sở hữu lần lượt là 15% và 85% tại NPMC).
Trữ lượng quặng tại mỏ Núi Pháo (Nguồn: MSR)
Căn cứ theo thuyết minh báo cáo tài chính của NPMC, nửa đầu năm 2019, quy mô vốn điều lệ của công ty đã tăng từ 4.789 tỷ đồng lên mức 8.048 tỷ đồng. Cả 2 cổ đông lớn đều thực hiện góp thêm vốn bằng tiền mặt.
Bên cạnh đó, cơ cấu vốn vay và thuê tài chính của NPMC trong 6 tháng đầu năm 2019 cũng có sự chuyển biến rõ rệt.
Cụ thể, các khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn, tính đến ngày 30/6/2019 đạt 4.228 tỷ đồng, tăng mạnh từ mức 2.467 tỷ đồng hồi đầu năm. Trong khi đó, các khoản vay, trái phiếu phát hành và nợ thuê tài chính dài hạn lại có xu hướng giảm, từ mức 9.900 tỷ đồng, xuống chỉ còn 5.533 tỷ đồng vào cuối Quý 2/2019.
Dữ liệu của VietTimes cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2019, NPMC đã phát hành 1.000 tỷ đồng trái phiếu có kỳ hạn từ 36 - 60 tháng, cho trái chủ là CTCP Chứng khoán Kỹ Thương ( TCBS ). Ở chiều hướng ngược lại, NPMC cũng mua vào 1.500 tỷ đồng trái phiếu trước hạn cùng việc thanh toán nhiều khoản nợ vay trong kỳ.
Điều này góp phần giảm tổng dư nợ vay và thuê tài chính của NPMC từ mức 12.367 tỷ đồng, xuống chỉ còn 9.761 tỷ đồng.
Mặt khác, nguồn vốn nợ dài hạn của NPMC chủ yếu đến từ việc phát hành trái phiếu có đảm bảo với kỳ hạn dài. Song, cần lưu ý rằng, các khoản trái phiếu này sắp đến ngày đáo hạn vào năm 2020, với số dư tại ngày 30/6/2019 lên tới 5.040 tỷ đồng.
|
Số dư trái phiếu tại ngày 30/6/2019 của Công ty TNHH Khai thác Chế biến khoáng sản Núi Pháo (Nguồn: BCTC Quý 2/2019 đã soát xét) |
Áp lực nguồn tiền để tất toán khoản trái phiếu sắp đáo hạn này là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, mới đây, NPMC bất ngờ công bố thông tin cho biết Jacobs E&C Australia Pty Ltd (Jacobs) - một công ty con tại Australia của Jacobs Group - đã hoàn tất nghĩa vụ thanh toán 130 triệu USD cho công ty.
Được biết, đây là kết quả vụ kiện giữa NPMC và Jacobs liên quan đến việc ký kết và thực hiện hợp đồng thiết kế và cung cấp thiết bị năm 2011 cho mục đích thiết kế, cung cấp thiết bị và quản lý thi công xây dựng dây chuyền chế biến khoáng sản của NPMC tại tỉnh Thái Nguyên, Việt Nam. Dây chuyền chế biến này được hoàn thiện trong năm 2015 và 2016.
Do có tranh chấp, phía NPMC đã đưa vụ việc ra Trung tâm Trọng tài quốc tế Singapore ngày 30/9/2015. Hai bên đã có 3 tuần điều trần, kết thúc ngày 15/12/2017.
Vào ngày 28/3/2019, một hội đồng gồm 3 trọng tài viên do Trung tâm Trọng tài quốc tế Singapore chỉ định đã đưa ra phán quyết chung thẩm từng phần, theo đó chấp thuận khoản bồi thường cho Núi Pháo phát sinh từ hành vi của Jacobs.
Khoản bồi thường 130 triệu USD (tương đương 3.000 tỷ đồng) từ Jacobs sẽ là nguồn tài chính bổ sung quan trọng đối với NPMC, giúp công ty cải thiện được cơ cấu nguồn vốn và tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào mỏ Núi Pháo.
Trong khi đó, đối với công ty mẹ là MSR, nhiều nhà đầu tư kỳ vọng khoản thu bất thường này sẽ được công ty sớm ghi nhận trong các kỳ báo cáo tài chính sắp tới, góp phần giúp công ty này tạo ra khoản lợi nhuận đột biến./.