Ngày 14/9 tại TPHCM Cục thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương) tổ chức hội nghị tổng kết 5 năm Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử.
Ông Cao Quốc Hưng, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, Nghị định 52/2013/NĐ-CP là văn bản trụ cột trong hệ thống phát luật về thương mại điện tử (TMĐT) của Việt Nam, đánh dấu sự đổi mới về quản lý nhà nước đối với một hình thức kinh doanh hiện đại, góp phần quan trọng trong quá trình phát triển thị trường TMĐT.
Tăng trưởng trên 20%
Đặc biệt trong 5 năm trở lại đây, TMĐT Việt Nam được đánh giá là thị trường có mức độ tăng trưởng nhanh, ổn định. Xu hướng tăng dần đều qua các năm và trên 20%/năm (từ 2,2 tỷ USD năm 2013 lên đến 6,2 tỷ USD năm 2017). TMĐT ngày càng trở thành một hình thái kinh doanh phổ cập của DN và có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng.
Bà Lê Thị Hà, Trưởng phòng chính sách, Cục TMĐT và kinh tế số (Bộ Công Thương) nhận định, trong giai đoạn 2018-2020, doanh số bán hàng TMĐT tiếp tục tăng trưởng ổn định ở mức khoảng 20%/năm và đạt 10 tỷ USD năm 2020, chiếm 5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Trong đó, 30% dân số mua sắm trực tuyến, với giá trị mua hàng trực tuyến đạt trung bình 350 USD/người/năm.
Về phương thức thanh toán trong các giao dịch TMĐT, bà Hà cho biết, thanh toán tiền mặt khi nhận hàng (COD) là phương thức thanh toán phổ biến được người tiêu dùng lựa chọn (năm 2013 là 74%, năm 2017 là 82%). Tiếp đến là chuyển khoản qua ngân hàng, thẻ thanh toán quốc tế... Tỷ lệ người tiêu dùng trả lời hài lòng khi mua sắm trực tuyến tăng từ 29% năm 2013 lên 54% năm 2017.
Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực trong 5 năm qua, tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, sự phát triển của thị trường TMĐT trong giai đoạn tới được dự đoán còn đặt ra nhiều vấn đề cần điều chỉnh. Các chủ thể tham gia TMĐT không chỉ còn giới hạn ở 2 mô hình TMĐT phổ biến là website TMĐT và website cung cấp dịch vụ TMĐT. Tình hình vi phạm, tranh chấp trong giao dịch TMĐT ngày càng gia tăng.
Cần sửa đổi, bổ sung các quy định mới phù hợp với thị trường
Ông Lê Anh Huy, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ Sendo cho biết, có hiện tượng người mua trục lợi khuyến mãi. Trong khi về phía nhà bán hàng có hiện tượng người bán lợi dụng sàn TMĐT để lừa đảo, yêu cầu người mua chuyển tiền hoặc giao dịch ngoài sàn để không chịu sự quản lý của sàn, từ đó đánh tráo hàng hóa hoặc lừa đảo người mua, làm mất lòng tin của người tiêu dùng, ảnh hưởng trực tiếp đến các DN làm ăn chân chính.
Chia sẻ những khó khăn trong giao dịch TMĐT, ông Phạm Tấn Đạt, Giám đốc điều hành Công ty Fado cho biết, một trong những khó khăn lớn hiện nay đó là tỷ lệ hủy đơn hàng theo phương thức thanh toán tiền mặt khi nhận hàng (COD) do khách hàng đặt hàng nhưng không lấy còn ở mức cao, điều này làm tăng chi phí bán hàng của DN lên nhiều.
Nhiều DN kinh doanh TMĐT kiến nghị, các cơ quan quản lý trong thời gian tới, cần cần xây dựng và ban hành các chính sách khuyến khích thanh toán điện tử, nhằm giảm chi phí vận hành trên toàn hệ thống.
Ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam cho biết, thời gian qua, thực tiễn nhiều công nghệ mới có tác động mạnh tới mua bán trực tuyến (cloud, mobile, big data, tiền kỹ thuật số, blockchain...) sắp tới còn nhiều công nghệ mới khác như IOT, robot... bên cạnh đó, xuất hiện nhiều hình thức kinh doanh mới trên mạng xã hội platform, sharing economy...
Theo nhận định của ông Hưng, sự thay đổi của công nghệ và phương thức bán hàng khiến Nghị định cũ không theo kịp, cấp thiết yêu cầu cần phải sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới.
Nhiều ý kiến tại hội nghị cũng cho rằng, để bắt kịp với xu hướng công nghệ, trong các giao dịch TMĐT, các bộ, ngành cần nghiên cứu, đề xuất, sửa đổi Luật Thương mại năm 2005 theo hướng bổ sung một số quy định “khung” mang tính cơ bản về TMĐT vào Luật như: Khái niệm hoạt động TMĐT, nguyên tắc hoạt động, các hành vi bị cấm trong hoạt động TMĐT; quyền và nghĩa vụ các bên tham gia TMĐT… Những thay đổi nói trên đặc biệt cần hướng tới việc bảo vệ thông tin cá nhân, hỗ trợ người tiêu dùng và DN trong giải quyết tranh chấp đặc biệt là giải quyết tranh chấp trực tuyến.