Theo báo cáo của tổ chức tài chính Carbon Tracker công bố mới đây, việc đầu tư vào các nhà máy điện than nhìn chung không khả thi cả về mặt kinh tế lẫn môi trường. Carbon Tracker là tổ chức tư vấn tài chính chuyên phân tích tác động của quá trình chuyển đổi năng lượng. Đặc biệt, 5 quốc gia châu Á sẽ có nguy cơ chịu thiệt hại về kinh tế nếu tiếp tục xây dựng các nhà máy điện than.
Đại dịch Covid-19 và giá năng lượng tái tạo rẻ là những yếu tố làm giảm 4% sản lượng điện than vào năm 2020. Song, lượng khí thải carbon liên quan đến năng lượng dự kiến sẽ tăng trở lại trong năm nay, chủ yếu là do tiêu thụ than ở châu Á.
Carbon Tracker dự báo, mục tiêu chung của việc chống lại sự nóng lên toàn cầu thông qua cắt giảm sản xuất than phụ thuộc gần như hoàn toàn vào sự phát triển ở Trung Quốc, Ấn Độ và các nước khu vực ASEAN. Trong đó, 75% công suất than toàn cầu và 80% các dự án mới liên quan đến than đều thuộc khu vực này.
Nguồn: Carbon Tracker
Để đưa ra cái nhìn rõ ràng về rủi ro khi đầu tư vào năng lượng than, Carbon Tracker đưa ra phân tích về lợi nhuận hoạt động, nghĩa vụ tài trợ bằng nợ và thuế đối với 600 dự án có quy mô trên 30 GW tại 5 quốc gia: Trung Quốc, Việt Nam, Indonesia, Nhật Bản, Ấn Độ. Nhìn chung, các dự án vận hành bằng than đều tồn tại nhiều hạn chế hơn cả.
Đồng thời, các nhà máy than hiện đang mất đi tiềm lực tài chính khi năng lượng tái tạo ngày càng trở nên "hợp túi tiền", do giá tấm pin mặt trời đã giảm từ 106 USD/watt vào năm 1976 xuống còn 0,38 USD vào năm 2019. Theo như các quy định hiện hành về ô nhiễm môi trường và chính sách khí hậu, 77% các cơ sở chạy bằng than đắt hơn năng lượng tái tạo. Con số này dự kiến sẽ tăng lên 98% vào năm 2026 và 00% vào năm 2030, khi công suất năng lượng tái tạo đạt 2.100 GW.
Đáng chú ý, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản và Việt Nam có kế hoạch xây dựng hơn 600 nhà máy mới với tổng công suất hơn 300GW. Báo cáo nhấn mạnh, 92% các dự án này sẽ không mang lại lợi ích kinh tế, bất kể vẫn hoạt động bình thường. Thậm chí, các dự án có thể gây lãng phí đến 150 tỷ USD.
Nguồn: Carbon Tracker
Tại Việt Nam, gần 24 GW công suất điện than mới đang được xây dựng hoặc trong quy hoạch. Trong đó, Carbon Tracker đánh giá, 99% các dự án không có khả năng sinh lời trong điều kiện kinh doanh bình thường. Đến năm 2022, năng lượng tái tạo mới sẽ có khả năng cạnh tranh cao với các tổ máy điện than hiện có.
Hiện Trung Quốc là quốc gia sản xuất điện than lớn nhất thế giới, với công suất hoạt động là 1.100GW và 187GW đang được triển khai. Trong đó, 100% dự án mới được đánh giá không khả thi trên khía cạnh kinh tế.
Bà Catharina Hillenbrand Von Der Neyen, trưởng bộ phận Năng lượng và tiện ích tại Carbon Tracker cho hay, những "thành trì điện than" cuối cùng này đang đi ngược xu hướng toàn cầu. "Các nhà đầu tư nên cẩn trọng với các dự án điện than mới. Nhiều dự án trong số đó có thể gây thua lỗ ngay từ lúc bắt đầu".
Báo cáo cảnh báo, khoảng 27% công suất điện than hiện đã không thể sinh lời, 30% còn lại gần hòa vốn, với mức lợi nhuận trên danh nghĩa tạo ra không quá 5 USD/MWh. Nếu thế giới đáp ứng các mục tiêu khí hậu của Thỏa thuận Paris, khoảng 220 tỷ USD sẽ bị "mắc kẹt" từ chi phí vận hành các nhà máy điện than trên toàn cầu.
Ước tính đến năm 2024, năng lượng tái tạo sẽ ít tốn kém hơn điện than ở các quốc gia lớn. Đến năm 2026, gần 100% các nhà máy điện than sẽ có chi phí vận hành đắt đỏ hơn so với việc xây dựng và vận hành các nhà máy năng lượng tái tạo.
Cuối cùng, báo cáo kết luận, sự cạnh tranh ngày càng tăng từ năng lượng tái tạo, cùng với việc xuất hiện các quy định mới, sẽ khiến việc sử dụng điện than tiếp tục suy giảm, làm sụt giảm lợi nhuận từ các nhà máy điện than.