Công ty cổ phần Thương mại và khai thác khoáng sản Dương Hiếu (HOSE: DHM) vừa công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 (ĐHĐCĐ 2022) với mục tiêu doanh thu đạt 2.505 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế ở mức 88 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 77% và 28% so với thực hiện năm 2021.
Năm nay, DHM cho biết sẽ tiếp tục tập trung đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh để gia tăng thị phần trong ngành thép. Đồng thời, công ty sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc khai thác các quỹ đất tại Quảng Nam và Quảng Ninh nhằm phát huy hiệu quả tối đa nguồn quỹ đất hiện hữu.
Nhằm huy động nguồn lực cho các mục tiêu trên, HĐQT DHM dự trình ĐHĐCĐ năm 2022 phê duyệt chủ trương, phương án phát hành 31,39 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu (tương ứng với tỷ lệ phát hành 1:1) với mức giá 10.000 đồng/cp. Nếu đợt chào bán diễn ra thành công, DHM sẽ tăng gấp đôi quy mô vốn điều lệ, lên mức 627,8 tỷ đồng.
Thương vụ tăng vốn sẽ đánh đấu ‘chương mới’ của DHM sau quá trình tái cơ cấu.
Năm 2019, trước thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát, DHM định hướng trở thành một trong những đơn vị cung cấp các mặt hàng đá ốp lát với chất lượng cao trên thị trường; đồng thời tiếp tục phát triển kinh doanh các mặt hàng truyền thống.
Bước sang năm 2020, cùng với những dịch chuyển trong cơ cấu cổ đông và ‘thay máu’ thượng tầng, DHM cũng ‘xoay trục’ chiến lược phát triển.
Cụ thể, DHM đặt mục tiêu tập trung phát triển hệ thống phân phối và thương mại các sản phẩm về thép, thiết bị điện, đá, từ đó tích luỹ và phát triển sang các lĩnh vực kinh doanh khác. Đồng thời, DHM cũng lên kế hoạch tái khởi động hoạt động kinh doanh vật liệu chịu lửa, cung cấp các sản phẩm vật liệu chịu lửa vào các nhà máy sản xuất thép.
Thay đổi mục tiêu chiến lược, DHM cũng triệt thoái vốn tại CTCP Khai thác luyện Kim Bắc Việt và CTCP Công nghệ thương mại và đầu tư Hưng Phát sau khi nhận thấy các doanh nghiệp này hoạt động kinh doanh khó khăn, không có tiến triển. Một phần để bảo toàn tối đa nguồn vốn đã đầu tư, một phần để có nguồn lực cho hoạt động tái cơ cấu.
Tuy nhiên, thách thức của DHM còn đến từ đại dịch Covid-19. Ngay từ khi đại dịch bắt đầu, hoạt động sản xuất kinh doanh của DHM đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Các đơn hàng nhập khẩu hàng hoá phục vụ sản xuất kinh doanh của công ty kéo dài hơn so với trước đây từ 30 – 60 ngày. Do giãn cách xã hội, tiến độ thực hiện các hợp đồng cung cấp vật liệu xây dựng của công ty cũng bị ảnh hưởng. Công ty cũng phải ‘gánh’ thiệt hại tại trang trại nuôi trồng thuỷ sản của chi nhánh Quảng Nam trong đợt lũ lịch sử xảy ra cuối năm 2020. Mặt khác, các khoản đầu tư tài chính của DHM chưa phát huy hiệu quả, buộc công ty này phải trích lập dự phòng tới hàng chục tỷ đồng.
Các khó khăn trên là nguyên nhân chính khiến DHM báo lỗ 49 tỷ đồng trong năm 2020. Tuy nhiên, bước sang năm 2021, DHM đã báo lãi trở lại, với 68,1 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế và doanh thu đạt mức 1.396,1 tỷ đồng (tăng gấp rưỡi so với năm 2020). Kết quả này cũng là minh chứng cho thấy cuộc chuyển mình của DHM đã phát huy hiệu quả.
Nhấn mạnh rằng, kế hoạch doanh thu 2.505 tỷ đồng mà ban lãnh đạo DHM đưa ra tại ĐHĐCĐ 2022 (diễn ra ngày 27/4/2022) cũng là mức doanh thu kỷ lục trong lịch sử hoạt động của công ty.
Không dừng lại ở đó, với tầm nhìn lấy lại vị thế uy tín trên thị trường (đặc biệt là ngành thép) mà ban lãnh đạo đã đề ra, giai đoạn 2022 – 2027, DHM đặt mục tiêu doanh thu tăng trưởng từ 20 – 25% so với năm trước liền kề. Đây cũng là mức doanh thu nổi bật so với nhiều doanh nghiệp thương mại thép hàng đầu đang niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Biết rằng, kết quý 1/2022, DHM ghi nhận doanh thu thuần đạt 672,2 tỉ đồng, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước và hoàn thành 26,8% kế hoạch năm. Cùng với đó, doanh nghiệp này cũng báo lãi sau thuế 1,3 tỉ đồng, tăng gấp 20 lần so với cùng kỳ năm trước.