Việc đẩy mạnh tiêm vắc xin là cơ sở để phục hồi một số hoạt động sản xuất kinh doanh, mở rộng "vùng xanh sản xuất" và "nhân lực xanh" cho nền kinh tế.
Cơ hội mở cửa dần kinh tế
“TP.HCM bắt đầu giãn cách xã hội với các mức độ khác nhau từ 31/5 đến nay là hơn 100 ngày. Nhưng thành phố sẽ không thể kéo dài mãi giãn cách, người dân và doanh nghiệp đã rất mệt mỏi, ngân sách thành phố cũng đã cạn kiệt, Trung ương cũng không thể nào hỗ trợ thêm nhiều được nữa”, ông Vũ Thành Tự Anh, chuyên gia của Fulbright, chia sẻ.
Trong bối cảnh TP.HCM đã được tiêm phủ vắc xin như hiện nay, theo vị chuyên gia này, nếu tiếp tục kéo dài giãn cách sẽ là quyết định sai lầm.
“Tôi đã ủng hộ tăng cường giãn cách vào thời điểm 9/7 và không ủng hộ việc nới lỏng giãn cách ở TP.HCM vào 15/8, vì khi ấy dịch bệnh đang bùng phát, tỷ lệ tiêm vắc xin còn thấp, đặc biệt là chưa bảo vệ được các nhóm rủi ro cao. Trong bối cảnh đó, chúng ta phải giãn cách để 'câu giờ chờ vắc xin'. Bây giờ đã phủ vắc xin trên diện rộng rồi mà chúng ta vẫn đóng cửa lại là bất hợp lý”, ông Vũ Thành Tự Anh nói.
Hàng không chịu tác động nặng nề từ dịch bệnh. Ảnh Ngọc Hà |
Theo số liệu từ Cổng thông tin tiêm chủng quốc gia, Việt Nam đã tiêm được hơn 35 triệu liều vắc xin, trong đó tiêm 1 mũi là 28.745.680 liều, tiêm mũi 2 là 6.930.160 liều.
Như vậy, so với tháng 8, tỷ lệ người được tiêm chủng của nước ta đã tăng đáng kể, tuy còn thấp so với các nước trong khu vực.
Số người được tiêm chủng, F0 khỏi bệnh... là cơ sở của những đề xuất mở cửa dần một số ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh.
Các hiệp hội Amcham, Eurocham, Korcham,... trong kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ ít ngày trước cũng đánh giá: Vắc xin là yếu tố then chốt.... Hy vọng các nhóm ưu tiên tiêm tập trung vào nhân viên y tế tuyến đầu, người cao tuổi, người có bệnh lý nền, người giao hàng, bán hàng thực phẩm và sản phẩm y tế thiết yếu, công nhân tại các khu công nghiệp, cảng và hậu cần, đặc biệt là ở TP.HCM và khu vực phía Nam, cho cả liều đầu tiên và liều thứ hai. Vắc xin là chìa khóa để cho phép tái mở cửa an toàn và phục hồi kinh tế.
Ông Đỗ Thái Vương, Phó Chủ tịch Unilever Việt Nam, cho rằng: Việc ưu tiên tiêm vắc xin đủ 2 mũi cho lực lượng sản xuất - kinh doanh là giải pháp căn cơ, lâu dài để ổn định sản xuất trước sự lây nhiễm của biến chủng Delta. Chính phủ đã nỗ lực phủ vắc xin cho các khu công nghiệp ở phía Nam, một số chợ đầu mối. Thời gian tới, cần ưu tiên cho các khu công nghiệp trọng điểm ở phía Bắc, lực lượng lao động ở kênh thương mại truyền thống như tiểu thương chợ, cửa hàng.
‘Vùng xanh’ sản xuất, ‘vùng xanh’ di chuyển
Trong bối cảnh lực lượng lao động đã được tiêm vắc xin mũi 1 và đang phủ dần mũi 2, Ban quản lý các khu chế xuất và khu công nghiệp TP.HCM cũng nghiên cứu, đề xuất phương án “vùng xanh sản xuất”:
Tiêu chí xác định “vùng xanh sản xuất” là Bộ phận sản xuất (tổ, chuyền) có 100% người lao động đã tiêm vắc xin mũi 1, ít nhất 30% người lao động tiêm vắc xin mũi 2; người lao động lưu trú tại các địa bàn thuộc vùng xanh của TP (Tổ dân phố xanh); vị trí sản xuất của vùng xanh ngăn cách với các bộ phận sản xuất khác.
Việc đẩy mạnh tiêm vắc xin là cơ sở để phục hồi một số hoạt động kinh tế. |
Trường hợp phát sinh ca nhiễm tại “vùng xanh sản xuất”, thực hiện truy vết, nhanh chóng tách F0 ra khỏi vùng xanh, tiến hành khử khuẩn, test PCR cho tất cả người lao động “vùng xanh”. Đối với F0 không đủ điều kiện cách ly tại nhà, sẽ được nhanh chóng đưa vào khu thu dung của KCX, KCN để được theo dõi, điều trị; F1 (tiếp xúc xa) vẫn được phép làm việc; cho phép doanh nghiệp bổ sung lao động vào “vùng xanh sản xuất” khi người lao động đủ điều kiện để bù đắp lao động thiếu hụt.
Tinh thần này cũng được Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đề cập trong một cuộc họp gần đây, khi ông lưu ý, không nên cứng nhắc cứ có F0 là đóng cửa nhà máy, với hàng ngàn công nhân. F0 ở xưởng nào thì dừng xưởng đó và ngay trong xưởng đó, nếu xác định F0 chỉ liên quan đến một số F1 thì cách ly F1, thậm chí xưởng đó vẫn có thể hoạt động.
Nhắc đến di chuyển an toàn, TS. Lương Hoài Nam, Thành viên Hội đồng tư vấn du lịch (TAB) đề cập câu chuyện về “hộ chiếu vắc xin”. Đây là xu thế toàn cầu và chúng ta không thể đứng ngoài. Rất phấn khởi rằng hiện nay, Việt Nam dịch chuyển theo đúng hướng đó và các tiến triển về đề án hộ chiếu vắc xin tại Việt Nam cũng phát triển mạnh. Phú Quốc sẽ là nơi đầu tiên thí điểm dùng hộ chiếu vắc xin để đón khách quốc tế.
Tuy nhiên, theo ông phải dùng ngay hộ chiếu vắc xin để phục hồi và phát triển thị trường nội địa, nếu chờ dịch hết thì không biết đến bao giờ.
Với tỷ lệ tiêm chủng ngày càng cao, ông Lương Hoài Nam khuyến nghị, ngay lập tức sử dụng hộ chiếu vắc xin của người Việt Nam cho việc mở lại thị trường hàng không nội địa, mở lại du lịch nội địa, song song đó là hướng đến thị trường quốc tế. Nhưng thị trường nội địa là thị trường của chúng ta, thị trường ngay ở đây và chúng ta có thể khai thác ngay được.
Ngoài ra, nhiều ý kiến đề xuất, những người đã tiêm đủ 2 liều vắc xin hoặc F0 khỏi bệnh có thể tham gia các hoạt động vận tải liên tỉnh. Điều này nhằm đảm bảo thông suốt mạch máu cung ứng, không gián đoạn chuỗi sản xuất và góp phần "cứu" các doanh nghiệp vận tải, logistics.
H.Nam