Đầu tiên là Dự án tuyến nối QL91 và tuyến tránh TP. Long Xuyên, quy mô cấp III đồng bằng có vận tốc thiết kế 80 km/h. Dự án có chiều dài 15,3 km đi qua địa phận TP. Cần Thơ và tỉnh An Giang với tổng mức đầu tư 2.106 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA do Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) tài trợ.
Khi hoàn thành, tuyến đường sẽ góp phần giảm tình trạng ùn tắc, hạn chế tai nạn giao thông tại khu vực và bảo đảm giao thông đường bộ thông suốt. Đồng thời, dự án khi được xây dựng sẽ dần hoàn chỉnh kết nối mạng lưới hạ tầng giao thông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long theo quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt.
Tiếp theo là Dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía bắc cũng sẽ được khởi công ngay trong tháng 12. Tuyến đường có tổng chiều dài 147 km, quy mô đầu tư đường cấp III miền núi trong đó có 53 km đường cấp IV miền núi. Tổng mức đầu tư 5.339 tỷ đồng. Nguồn vốn thực hiện gồm vốn vay ADB, vốn viện trợ của Chính phủ Australia và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.
Dự án sẽ hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối các tỉnh miền núi phía bắc (Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái), cùng với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai sẽ giúp hoàn chỉnh mạng lưới giao thông trong khu vực, bảo đảm an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an toàn giao thông khi xảy ra mưa lũ tại các tỉnh miền núi phía bắc.
Công trình giao thông thứ ba sẽ được xây dựng là Dự án đầu tư xây dựng nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo (giai đoạn 2) thuộc tỉnh Tiền Giang sẽ mở rộng luồng đường thủy gần 10 km, xây dựng công trình bảo vệ bờ nam kênh Chợ Gạo, cầu và đường dân sinh đi qua địa bàn các xã bờ phía nam và thị trấn Chợ Gạo. Sau khi cải tạo, đoạn luồng trên sẽ đạt quy chuẩn luồng đường thủy cấp II, với chiều sâu hơn 3,5 m, rộng hơn 50 m và bán kính cong lớn hơn 500 m giúp tàu thuyền lưu thông thuận lợi.
Kênh Chợ Gạo được coi là tuyến giao thông thủy huyết mạch của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long với TPHCM dài hơn 28 km, nối liền từ Rạch Lá đến rạch Kỳ Hôn kết nối giữa sông Tiền và sông Vàm Cỏ. Dự án sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước với tổng mức đầu tư 1.335 tỷ đồng do Ban Quản lý các dự án đường thủy quản lý thực hiện.
Thứ tư là Dự án đầu tư xây dựng công trình luồng cho tàu biển tải trọng lớn vào Sông Hậu (giai đoạn 2), đầu tư các hạng mục cấp bách để bảo đảm ổn định kênh Quan Chánh Bố và các hạng mục khác. Dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước với tổng mức đầu tư 2.226 tỷ đồng. Khi hoàn thành, dự án sẽ giúp thu hút được các tàu trọng tải lớn lên đến 20.000 tấn đầy tải lưu thông, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Cầu H'mông 1 (xã Ea Kiết, huyện Cư M'gar, Đắk Lắk) thuộc Dự án LRAMP được xây dựng giúp người dân đi lại thuận lợi, thoát cảnh đi bè, lội qua suối. Ảnh: Báo Giao thông
Thứ năm là Dự án cải tạo cầu yếu và cầu kết nối trên các quốc lộ (giai đoạn I) sẽ xây mới, nâng cấp 6 cầu yếu/cầu kết nối. Nguồn vốn xây dựng từ Qũy hợp tác phát triển kinh tế Hàn Quốc (EDCF) và vốn đối ứng trong nước với tổng mức đầu tư 1.498 tỷ đồng. Khi hoàn thành, dự án sẽ giúp tăng cường khả năng liên kết giữa các vùng, giảm chi phí vận tải, nâng cao hiệu quả khai thác mạng lưới đường bộ.
Thứ sáu là Dự án tuyến tránh QL1A đoạn qua TP. Cà Mau có tổng chiều dài 14,3 km, tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng với vận tốc thiết kế 80 km/h. Dự án được thực hiện bằng nguồn ngân sách Nhà nước với tổng mức đầu tư 1.725 tỷ đồng.
Dự án nhằm giảm tải cho QL1A đoạn đi qua trung tâm thành phố, giảm tình trạng ùn tắc và hạn chế tai nạn giao thông, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, củng cố an ninh, quốc phòng của tỉnh Cà Mau nói riêng và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Đồng thời, dự án sẽ kết nối với đường Vành đai 3 TP. Cà Mau, đường hành lang ven biển phía nam nhằm hoàn chỉnh mạng lưới giao thông theo quy hoạch.
Tiếp theo là Dự án cải tạo, nâng cấp QL1A đoạn từ thị xã Ngã Bảy (nay là TP. Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang) đến huyện Châu Thành (tỉnh Sóc Trăng) với chiều dài 18,6 km. Dự án sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước với tổng mức đầu tư 1.681 tỷ đồng. Khi hoàn thành, dự án sẽ giúp hoàn chỉnh quy mô toàn tuyến QL1 từ Hà Nội đến Cà Mau, đáp ứng nhu cầu vận tải đường bộ ngày càng cao hiện nay, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng cho các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Cuối cùng là Dự án đầu tư xây dựng cầu dân sinh và cải tạo đường địa phương (LRAMP) bao gồm nhiều công trình nhỏ rải rác trên 50 địa phương trên toàn quốc. Dự án sử dụng nguồn vốn tài trợ từ Ngân hàng thế giới (World Bank) và vốn đối ứng trong nước với tổng mức đầu tư 9.203 tỷ đồng. Tổng cục đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT) làm chủ đầu tư hợp phần cầu, UBND các địa phương là chủ đầu tư phần đường.
Dự án này đã được Bộ GTVT triển khai liên tục từ năm 2016 đến nay và đã từng bước góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, phục vụ mục tiêu xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, tạo điều kiện phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, tăng cường kết nối cho các thôn, bản khó khăn, vùng sâu, vùng xa.