Bén duyên và sưu tập đá quý suốt 17 năm qua, ông Tiếng được nhiều người dân Đắk Lắk biết đến khi sở hữu bộ sưu tập đá quý hiếm, có giá trị.
Ông Lê Phúc Tiếng (69 tuổi) - Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) xuất thân là thầy dạy võ cổ truyền Bình Định. Trong lần đi công tác, tình cờ ghé thăm nhà của một nghệ nhân sưu tập đá quý đã khiến ông Tiếng mê mẩn, nảy sinh tình yêu đối với các loại đá quý hiếm.
Suốt 17 năm miệt mài sưu tầm đá, đến nay, ông đã sở hữu được một bộ sưu tập với hàng trăm sản phẩm đá quý các loại như: thạch anh, caxidon, mã não… với trị giá từ vài triệu đồng đến cả tỷ đồng mỗi tác phẩm.
Ông Tiếng chia sẻ, đá quý ở Tây Nguyên sẽ tập trung ở các vùng có núi lửa phun trào như huyện Lắk, Ea Kar (tỉnh Đắk Lắk) hay huyện Đắk Gằn (tỉnh Đắk Nông)… Đa số các tác phẩm được ông Tiếng săn lùng, tìm mua góp vào bộ sưu tập. Trong số đó, nhiều tác phẩm được ông giữ nguyên vẻ đẹp nguyên sơ, ban đầu của khối đá và cũng có tác phẩm được gia công thành những tác phẩm nghệ thuật rồi được chăm chút đặt tên cho từng sản phẩm.
"Mỗi tác phẩm đá đều có những câu chuyện riêng, có thời gian, niên đại khác nhau. Người chơi đá sẽ biết được độ quý, ý nghĩa của từng khối đá tưởng chừng vô tri vô giác này", ông Tiếng bày tỏ.
Vừa nói, ông Tiếng vừa đưa tay chỉ về tác phẩm "Hoa mọc trong đá" là một kiệt tác của thiên nhiên. Theo ông Tiếng, những bông hoa ở trong hốc đá hoàn toàn tự nhiên gọi là hoa ưu đàm (tên khoa học là Aragonit) được ví như bông hoa đẹp đẽ nhất mà thiên nhiên hình thành nên.
"Hoa ưu đàm được hình thành ở điều kiện tự nhiên rất khắc nghiệt tạo nên vẻ đẹp càng ngắm càng thấy sang trọng và tinh túy. Nhiều người thích sưu tầm hoa ưu đàm không chỉ vì hoa rất đẹp mà còn được cho mang lại may mắn cho gia chủ", ông Tiếng cho hay.
Trong số những tác phẩm của mình, ông Tiếng quý nhất là khối đá năng lượng có khả năng hút được sắt. Đá với chiều cao khoảng 20 cm, rộng 10 cm và nặng tầm 4 kg. Đặc biệt, khi đưa kim loại sắt gần khối đá thì lập tức sẽ hút dính vào đá.
"Khối đá năng lượng đã từng được nhiều người hỏi mua với giá từ vài trăm đến cả tỷ đồng nhưng tôi vẫn chưa bán. Tôi rất thích khối đá đặc biệt này và rất hạnh phúc khi sở hữu viên đá độc đáo, hiếm có", ông Tiếng chia sẻ.
Trong nhà ông Tiếng, các tác phẩm đá quý được trưng bày, cất ở tất cả các phòng và ngày càng kín chỗ. Các con của ông cũng không có dự định nối nghiệp của ông nhưng vẫn yêu thích sưu tập, giao lưu cùng các nghệ nhân có chung niềm đam mê cả đời của bố.
(Theo Dân Trí)