Trong báo cáo Điều tra lao động việc làm quý 1/2021 được Tổng cục Thống kê công bố, thu nhập bình quân tháng của lao động làm công ăn lương quý 1/2021 đạt 7,2 triệu đồng, tăng 556 nghìn đồng so với quý trước và tăng 132.000 đồng so với cùng kỳ năm trước. Lao động nam có thu nhập bình quân cao gấp 1,2 lần lao động nữ (7,6 triệu đồng so với 6,6 triệu đồng).
Dữ liệu: Tổng cục Thống kê
Đáng chú ý, trên toàn quốc, lương lao động doanh nghiệp FDI đang dẫn đầu với mức 8,049 triệu đồng/người/tháng. Mức lương trung bình này tăng gần 700 nghìn đồng so với quý trước, cao hơn 1,2 triệu đồng so với mức lương trung bình lao động khối doanh nghiệp tư nhân.
Dữ liệu: Tổng cục Thống kê
Song đối với khu vực thành thị, mức lương bình quân người lao động trong khối doanh nghiệp nhà nước lại dẫn đầu, với khoảng 8,84 triệu đồng/người/tháng trong quý 1/2021, tăng hơn 1,4 triệu đồng so với quý trước đó.
Mức lương này cũng cao hơn mức bình quân của doanh nghiệp thuộc khối ngoài nhà nước khoảng gần 1 triệu đồng. Trong khi đó, chênh lệch giữa mức lương bình quân doanh nghiệp nhà nước với doanh nghiệp FDI tại khu vực thành thị là không đáng kể, khoảng 60 nghìn đồng.
Dữ liệu: Tổng cục Thống kê
Tại khu vực nông thôn, mức lương bình quân lao động giữa 3 loại hình doanh nghiệp có sự chênh lệch rõ rệt. Cụ thể, trong quý đầu năm 2021, khối doanh nghiệp FDI vẫn dẫn đầu với mức lương bình quân lao động 7,461 triệu đồng/người/tháng, tăng gần 300 nghìn đồng so với quý trước, cao hơn 1,3 triệu đồng so với khối doanh nghiệp ngoài nhà nước.
Như vậy nhìn chung, thu nhập doanh nghiệp ở cả hai khu vực nông thôn và thành thị trong khối doanh nghiệp ngoài nhà nước đều ở mức thấp hơn cả so với doanh nghiệp FDI hay doanh nghiệp nhà nước. Trong đó, lương lao động doanh nghiệp ngoài nhà nước khu vực nông thôn thấp hơn khoảng 1,7 triệu đồng so với khu vực thành thị.
Thực tế từ trước tới nay, thu nhập trong DNNN và doanh nghiệp FDI luôn cao nhất, thậm chí trong những năm gần đây, thu nhập trong DNNN còn vượt cả FDI. Điều này một phần do các DNNN thường có quy mô lớn.
Về tình hình hoạt động doanh nghiệp khối FDI trong 8 tháng đầu năm, vốn FDI đăng ký vẫn cao chủ yếu do vốn đăng ký cấp mới đổ vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tăng. Điều này cũng cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài (FDI) tiếp tục duy trì lòng tin với nền kinh tế Việt Nam trong trung và dài hạn.
Song, giải ngân vốn FDI trong tháng 8 giảm so với tháng trước và cùng kỳ năm ngoái do giãn cách xã hội ở nhiều địa phương. Điều này có thể sẽ ảnh hưởng đáng kể đến thu nhập lao động trong quý 2 và quý 3.