Làn sóng dịch chuyển đầu tư khỏi Trung Quốc diễn ra kể từ khi quan hệ thương mại Mỹ - Trung trở nên căng thẳng từ năm 2018. Đại dịch Covid-19 xuất hiện khiến xu hướng này càng bộc lộ rõ nét hơn.
Theo TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, kể từ tháng 8/2019 đến nay, Ấn Độ và Indonesia đã đẩy mạnh việc thu hút các tập đoàn quốc tế đang có kế hoạch dịch chuyển khỏi Trung Quốc.
Đến nay, đã có nhiều thông tin về việc các nhà đầu tư có kế hoạch dịch chuyển đầu tư tới Ấn Độ và các nước khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Tuy nhiên, quá trình dịch chuyển sẽ không ngay lập tức, mà thường có lộ trình khoảng 2-5 năm, do các chuỗi cung ứng toàn cầu đã được hoàn thiện nên không thể nhanh chóng chuyển dịch.
Qua nghiên cứu các công bố chính sách thu hút FDI gần đây của một số nước trong khu vực; có thể thấy chính phủ các nước đang chủ yếu dùng 5 công cụ, gồm: thuế, đất đai, cải thiện môi trường kinh doanh, cung cấp gói hỗ trợ đào tạo công nhân lành nghề và có biện pháp tăng rào cản nhằm ngăn chặn tình trạng thâu tóm trong một số lĩnh vực...
Điển hình như Indonesia có kế hoạch giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 25% về mức 23% năm 2021 hay cam kết dành 400 ha cho các nhà đầu tư. Ấn Độ cũng miễn thuế từ 4-10 năm cho các dự án đầu tư trong 1 số lĩnh vực ưu tiên và cam kết dành ra quỹ đất rộng 461 ha nhằm thu hút doanh nghiệp rời khỏi Trung Quốc.
Tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định thành lập Tổ công tác thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài. Theo đó, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh nhận nhiệm vụ Tổ trưởng. Tổ phó thường trực là Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, còn tổ phó là Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Có thể thấy, Chính phủ đã quyết liệt hơn trong việc đón đầu làn sóng chuyển dịch đầu tư, "đón đại bàng về làm tổ".
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, bên cạnh việc đưa ra những ưu đãi về thuế hay đất đai, việc cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cũng là một trong những nội dung cần chú trọng nếu muốn đón làn sóng chuyển dịch này.
Khởi động "làn sóng" cải cách lần thứ 3
Theo TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), cải cách thủ tục hành chính và cải thiện môi trường kinh doanh là đặc biệt cần thiết trong giai đoạn hiện nay, nếu muốn tận dụng làn sóng chuyển dịch dòng vốn đầu tư.
TS. Lộc nhìn lại, kể từ đầu nhiệm kỳ của Chính phủ, đã có 2 "đợt sóng" cải cách rất quan trọng.
Năm 2016, đã có một đợt rà soát tổng thể các điều kiện kinh doanh và cắt giảm hàng loạt điều kiện kinh doanh.
“Việc cắt giảm này nhằm thực hiện đúng theo quy định của Luật đầu tư: Chỉ những lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, chính phủ mới được hướng dẫn thi hành trong nghị định của Chính phủ chứ không có giấy phép con”, ông Lộc nhấn mạnh.
Có thể nói, đây là "đợt sóng" cải cách đầu tiên về điều kiện kinh doanh và cải cách hành chính của nhiệm kỳ này.
Năm 2018, Việt Nam có đợt sóng cải cách thứ 2 khi Chính phủ áp đặt một mệnh lệnh bắt buộc các bộ, ngành phải trình phương án cắt giảm 50% các điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính.
Mặc dù, mức cắt giảm và tác động thực tế là thấp hơn, có thể là 30-40% nhưng dù sao đây cũng là một "đợt sóng" cải cách có ý nghĩa.
Đến năm nay, thực sự cần thiết phải tiến hành một "đợt sóng" cải cách mới trong bối cảnh Việt Nam đang ra sức thu hút đầu tư và là một trong những điểm đến của xu hướng dịch chuyển đầu tư.
VCCI đã phát hiện ít nhất 25 điểm còn chồng chéo giữa các văn bản pháp luật và kiến nghị với Chính phủ và Quốc hội chương trình tổng thể để xoá bỏ những điểm còn chồng chéo và bất hợp lý trong các văn bản pháp luật.
TS. Lộc cho biết, những kiến nghị từ VCCI đã được Chính phủ ghi nhận và thành lập một tổ công tác để rà soát những điểm chồng chéo, bất hợp lý của các văn bản pháp luật. Hy vọng với hoạt động từ 14 nhóm công tác trong tổ công tác, sẽ có hàng loạt kiến nghị sửa đổi những điểm bất hợp lý trình lên Quốc hội.
"Và nếu sửa đổi được những điểm này, chúng ta sẽ có cơn sóng cải cách mới về thủ tục hành chính và điều kiện kinh doanh ở Việt Nam", ông Lộc kỳ vọng.