Uông Kiến Quốc sinh ra tại Tô Châu, tỉnh Giang Tô, vào làm việc tại sở thương mại tỉnh Giang Tô năm 1981, có được một công việc làm ổn định được người người ngưỡng mộ. Nhưng loại cuộc sống nhàn hạ này vốn không phải là điều mà ông muốn.
Năm 1991, khi làn sóng khởi nghiệp thứ hai đang dâng cao, Uông Kiến Quốc quyết định nghỉ việc và theo đuổi sự nghiệp kinh doanh, ông đầu quân cho công ty Wu Jiao Hua ở tỉnh Giang Tô. 7 năm sau, ông trở thành tổng giám đốc của công ty Wu Jiao Hua Giang Tô và đổi tên thành "Five Star Appliance".
Ngay khi nhậm chức, Uông Kiến Quốc đã quyết định dứt khoát, mạnh dạn từ bỏ kim khí, dụng cụ điện, sản phẩm hóa chất và các lĩnh vực kinh doanh khác để tập trung hỏa lực vào việc xây dựng chuỗi thiết bị gia dụng. Ông tin rằng tiềm năng thị trường của ngành công nghiệp thiết bị gia dụng là rất lớn, hơn nữa tốc độ mua mới nhanh biến ngành này trở thành một ngành rất đáng để đầu tư.
Năm 1999, Uông Kiến Quốc mở chuỗi cửa hàng thiết bị điện đầu tiên, và trong vòng một năm rưỡi, ông đã có 20 chuỗi cửa hàng. Đối với các cửa hàng, ông đã áp dụng phương pháp quản lý tinh tế, giải quyết được vấn đề nhức nhối của ngành là giá nguyên vật liệu quá cao.
Từ mua sắm đến hậu cần, hệ thống quản lý, Uông Kiến Quốc đều kiểm soát hợp lý các chi phí ở mọi mắt xích, đồng thời tăng thu giảm chi ở nhiều khía cạnh. Song, đối với nhân viên, bao gồm cả cấp quản lý, tất cả đều phải được ủy quyền một cách hợp lý, để toàn bộ chuỗi cửa hàng có thể hoạt động hiệu quả.
Tuy nhiên, năm 2009, sự phát triển của Five Star Appliance gặp phải một biến cố lớn, khiến cả tập đoàn rơi vào tuyệt vọng. Sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, Uông Kiến Quốc đã bán Five Star Appliance cho tập đoàn Best Buy, ông nói: "Chỉ bằng cách từ bỏ, chúng ta mới có được cơ hội tốt hơn".
Sau khi rời Five Star Appliance, Uông Kiến Quốc đã nhanh chóng chuyển hướng, thành lập Five Star Holdings Group và bắt đầu công việc kinh doanh thứ hai.
Sau khi nghiên cứu thị trường, Uông Kiến Quốc đã xác định được 3 hướng khởi nghiệp: một là hướng đến trẻ em, hai là nông dân và hướng thứ ba là hướng đến người giàu. Từ đó, 3 công ty "Haiziwang", "Huitongda" và "Hosjoy" đã ra đời.
Năm 2009, Uông Kiến Quốc nhận thấy nhu cầu thị trường đối với các sản phẩm dành cho trẻ em phát triển không ngừng nên đã thành lập "Haiziwwang", hình thành mô hình kinh doanh "thương mại điện tử + chuỗi cửa hàng + sách hướng dẫn mua hàng trực tiếp".
Để cung cấp cho các bà mẹ trẻ đầy đủ các dịch vụ cao cấp, ông yêu cầu mỗi nhân viên đảm nhận vị trí trong mảng này phải có chứng chỉ giáo viên chăm sóc trẻ và mời các bác sĩ chuyên nghiệp về đào tạo kiến thức chăm sóc trẻ cho nhân viên. Hơn nữa, ông quy định rằng mỗi năm sẽ tổ chức một nghìn sự kiện và mỗi tháng sẽ tổ chức một hội nghị chuyên đề dành cho các bà mẹ để thiết lập kết nối lâu dài với người tiêu dùng.
Năm 2010, với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, Uông Kiến Quốc đã thành lập thương mại điện tử sinh thái nông thôn "Huitongda".
Lấy "cửa tiệm gia đình" ở nông thôn làm bước đột phá, ông ấy đã phát triển ứng dụng "Super Boss", cho phép các cặp vợ chồng quản lý tốt mọi thông tin của toàn bộ quy trình kinh doanh của cửa hàng mình. Ông còn ra mắt một ứng dụng tương tự khác để giúp các cửa tiệm gia đình thành lập một trung tâm mua sắm trực tuyến, dự án này đã đạt được thành công lớn và giúp việc mua bán ở các vùng nông thôn thăng cấp vượt bậc.
Ngoài ra, Uông Kiến Quốc cũng thành lập công ty bất động sản tên "Hosjoy", và đạt được sự phát triển nhanh chóng thông qua mô hình đối tác đô thị.
Theo số liệu do tập đoàn Five Star Holdings công bố, tổng giá trị của 3 công ty nêu trên đã vượt ngưỡng 50 tỷ nhân dân tệ.
"Là một doanh nhân của thời đại này, đặc biệt là ở độ tuổi này, điều quan trọng nhất là phải biết chủ động học hỏi". - Uông Kiến Quốc chia sẻ.