TTCK Việt Nam vừa trải qua quý 1 với những diễn biến đầy tích cực. Kết thúc phiên giao dịch 31/3, chỉ số VN-Index dừng tại 1.191,44 điểm, tăng 7,93% so với đầu năm dù trước đó VN-Index đã bứt phá ngoạn mục gần 15% trong năm 2020.
Dù thị trường tăng khá mạnh nhưng giao dịch khối ngoại lại là điểm trừ. Tính riêng quý 1/2021, khối ngoại đã bán ròng hơn 14.000 tỷ đồng trên HoSE, gần bằng lượng bán ròng trong cả năm 2020 (hơn 15.000 tỷ đồng) và hiện vẫn chưa có dấu hiệu sớm dừng lại.
Trong số các mã chứng khoán bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất từ đầu năm, VNM là cái tên bị bán ròng mạnh nhất với giá trị hơn 4.100 tỷ đồng, xếp tiếp theo lần lượt là HPG (-4.072 tỷ đồng), CTG (-2.777 tỷ đồng), POW (-1.518 tỷ đồng)…
Những năm trước đây, VNM luôn là cổ phiếu số 1 trên TTCK Việt Nam, thu hút sự quan tâm lớn của nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tuy nhiên, trong hơn 1 năm nay, nhiều quỹ đầu tư đã có xu hướng hạ tỷ trọng VNM trong danh mục trong bối cảnh ngành sữa đang dần bão hòa cũng như tăng trưởng của chính VNM đang chững lại.
Năm 2020, Arisaig Asia Consumer Fund – quỹ chuyên đầu tư vào các doanh nghiệp hàng tiêu dùng trên thế giới đã thoái toàn bộ khoản đầu tư vào cổ phiếu VNM với giá trị khoảng hơn 3.300 tỷ đồng sau 11 năm nắm giữ. Arisaig Asia Consumer Fund cho rằng thị trường sữa Việt Nam đang dần bão hòa, cùng việc xuất hiện nhiều đối thủ cạnh tranh là nguyên nhân khiến quỹ thoái vốn khỏi VNM.
Biến động cổ phiếu VNM
Với HPG, dù đang là doanh nghiệp tăng trưởng mạnh với quy mô vượt trội trong ngành thép nhưng cũng đang bị khối ngoại bán ròng khá mạnh với giá trị hơn 4.000 tỷ đồng trong quý 1. Thời gian qua, một số quỹ như Penm III hay Tundra đã bán sạch HPG. Trong đó, Tundra cho rằng việc đầu tư vào các cổ phiếu có tính chu kỳ như thép, xi măng không phải sở trường của quỹ và những cổ phiếu này bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài khó kiểm soát (như giá nguyên vật liệu).
Trong khi đó, CTG bị bán ròng hơn 2.700 tỷ đồng trong quý 1 và phần lớn lực bán đến từ IFC. Với POW, việc khối ngoại bán ròng hơn 1.500 tỷ đồng có thể đến từ việc nhiều quỹ ngoại tiến hành tái cơ cấu danh mục sau khi mua mạnh thời điểm IPO/mới lên sàn nhưng không mang lại nhiều hiệu quả.
Biến động POW trong 3 năm lên sàn tương đối ảm đạm
Top 12 cổ phiếu khối ngoại bán ròng mạnh nhất quý 1 còn có một số cái tên như VCB (-1.432 tỷ đồng), MSN (-1.415 tỷ đồng), SSI (1.048 tỷ đồng)…
Ở chiều ngược lại, chứng chỉ quỹ FUEVFVND (VFM VNDiamond ETF) là cái tên được khối ngoại mua ròng mạnh nhất từ đầu năm với giá trị 3.296 tỷ đồng. Ngoài ra, các chứng chủ quỹ như FUESSVFL (SSIAM VNFinLead ETF) hay E1VFVN30 (VFM VN30 ETF) cũng được mua ròng khá mạnh với giá trị lần lượt 599 tỷ đồng và 575 tỷ đồng.
Từ đầu năm tới nay, dòng tiền từ nhà đầu tư Thái Lan, Đài Loan đã đổ khá mạnh vào các chứng chỉ quỹ ETF Việt Nam, tiêu biểu là FUEVFVND. Ngay cả quỹ chủ động Pyn Elite Fund hiện cũng đưa FUEVFVND vào top 10 khoản đầu tư lớn nhất của quỹ.
Trong top 12 cổ phiếu được khối ngoại mua ròng nhiều nhất quý 1 còn có bộ đôi VIC, VHM với giá trị lần lượt 1.668 tỷ đồng và 243 tỷ đồng. Trong khi đó, KBC với kỳ vọng phát triển mạnh quỹ đất KCN, cho Foxconn thuê đất đã thu hút các quỹ ngoại, tiêu biểu là Dragon Capital.
MWG là cổ phiếu luôn trong tình trạng kín room và các quỹ ngoại phải mua với giá trị cao hơn thị trường (premium) khá nhiều. Trong quý 1, MWG đã phát hành ESOP gần 13 triệu cổ phiếu cho cán bộ nhân viên và điều này đã khiến MWG "hở room". Ngay khi đó, nhà đầu tư nước ngoài đã mau chóng lấp đầy room MWG khi mua ròng 840 tỷ đồng (phiên 29/1).