Thị trường chứng khoán kết thúc năm 2020 bằng việc cả 3 chỉ số VN-Index, HNX-Index và UPCoM-Index đều tăng so với cuối 2019. Cụ thể, VN-Index tăng 142,88 điểm tương ứng 14,87% lên 1.103,87 điểm. HNX tăng 98,1% lên 203,12 điểm. Tương tự, UPCoM-Index tăng 31,6% lên 74,45 điểm.
Trái ngược hoàn toàn với những gì diễn ra tích cực về mặt điểm số, 2020 cũng đánh dấu một năm dòng vốn ngoại bán ròng kỷ lục. Cụ thể, khối ngoại năm 2020 mua vào hơn 6 tỷ cổ phiếu, trị giá 200.949 tỷ đồng, trong khi bán ra 7,5 tỷ cổ phiếu, trị giá 219.743 tỷ đồng. Tổng khối lượng bán ròng ở mức 1,5 tỷ cổ phiếu, tương ứng giá trị bán ròng 18.794 tỷ đồng.
Giá trị mua/bán ròng của khối ngoại sàn HoSE theo tháng trong năm 2020. Đơn vị: Tỷ đồng. |
Riêng ở sàn HoSE, khối ngoại chấm dứt chuỗi 3 năm mua ròng liên tiếp bằng việc bán ròng kỷ lục 15.214 tỷ đồng, tương ứng khối lượng bán ròng là gần 1,17 tỷ cổ phiếu. Đáng chú ý hơn nữa, nếu loại bỏ hoàn toàn giao dịch thỏa thuận thì dòng vốn này rút ròng đến 38.244 tỷ đồng.
Khối ngoại có 2 chuỗi bán ròng bền bỉ trên HoSE. Chuỗi đầu tiên là 33 phiên bán ròng liên tiếp diễn ra hồi tháng 2 – 3 với tổng giá trị hơn 9.500 tỷ đồng. Chuỗi bán ròng dài thứ 2 diễn ra vào tháng 10 – 11 với 30 phiên liên tiếp, tổng giá trị 10.546 tỷ đồng.
|
10 cổ phiếu có giá trị mua/bán ròng lớn nhất sàn HoSE. Đơn vị: Tỷ đồng. |
MSN đứng đầu danh sách bán ròng với giá trị 4.539 tỷ đồng. HPG và VIC đứng sau với giá trị bán ròng lần lượt 4.000 tỷ đồng và 2.935 tỷ đồng. Trong top 10 mã bị khối ngoại sàn HoSE bán ròng mạnh nhất năm 2020 chỉ có duy nhất BID có giá trị dưới 1.000 tỷ đồng, với 934 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, VHM là cổ phiếu đứng đầu danh sách mua ròng của khối ngoại sàn HoSE cũng như toàn thị trường với 18.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu chỉ tính giao dịch khớp lệnh thì cổ phiếu này bị bán ròng 1.429 tỷ đồng. Chứng chỉ quỹ ETF nội FUEVFVND cũng được mua ròng mạnh với 4.490 tỷ đồng và chủ yếu thông qua phương thức thỏa thuận. PLX và PGD đứng sau với giá trị mua ròng lần lượt 1.513 tỷ đồng và 1.012 tỷ đồng.
|
Giá trị mua/bán ròng của khối ngoại sàn HNX theo tháng trong năm 2020. Đơn vị: Tỷ đồng. |
Ở sàn HNX, khối ngoại nối dài chuỗi bán ròng lên thành 4 năm liên tiếp, với giá trị gấp 3,1 lần năm 2019 ở mức 2.456 tỷ đồng, tương ứng khối lượng bán ròng là 266 triệu cổ phiếu. Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng đến 11 tháng và chỉ mua ròng duy nhất ở tháng 10 với vỏn vẹn 17 tỷ đồng. Tính chung từ năm 2017 đến nay, vốn ngoại ở sàn HNX đã bán ròng tổng cộng 5.525 tỷ đồng.
|
10 cổ phiếu có giá trị mua/bán ròng lớn nhất sàn HNX. Đơn vị: Tỷ đồng. |
SHB bị bán ròng mạnh nhất với 952 tỷ đồng. PVS cũng bị bán ròng mạnh với 637 tỷ đồng. Tiếp sau đó, TNG cũng bị bán ròng trên 144 tỷ đồng.
Trong khi đó, VCS được mua ròng mạnh nhất với 142 tỷ đồng. Hai mã SZB và IDV đứng sau với giá trị mua ròng lần lượt 44 tỷ đồng và 25 tỷ đồng.
|
Giá trị mua/bán ròng của khối ngoại sàn UPCoM theo tháng trong năm 2020. Đơn vị: Tỷ đồng. |
Tại sàn UPCoM, khối ngoại cũng bán ròng trở lại 1.124 tỷ đồng, tương ứng khối lượng là 84 triệu cổ phiếu.
|
10 cổ phiếu có giá trị mua/bán ròng lớn nhất sàn UPCoM. Đơn vị: Tỷ đồng. |
ACV bị bán ròng mạnh nhất với 314 tỷ đồng. Các mã TID, MSR, BSR, LTG và VGG đều có giá trị bán ròng trên 100 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, MCH đứng đầu danh sách mua ròng sàn UPCoM với 140 tỷ đồng. Tiếp sau đó, VTP và VEA được mua ròng lần lượt 98 tỷ đồng và 59 tỷ đồng.
Nhận định về việc bán ròng nói trên, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết khi trao đổi với nhà đầu tư nước ngoài quy mô lớn có tâm lý giằng co giữa quyết định đầu tư hay rút vốn tại chứng khoán Việt Nam trong năm 2020. Một số tổ chức cho biết trong bối cảnh dịch Covid-19, họ phải rút tiền khỏi các thị trường mới nổi.