Số liệu từ Sở GDCK TP.HCM (HoSE) cho biết, từ đầu năm tới nay, khối ngoại đã bán ròng 30.116 tỷ đồng (1,3 tỷ USD) trên HoSE và là con số bán ròng kỷ lục từ trước tới nay. Lượng bán ròng của khối ngoại từ đầu năm 2021 đã vượt xa lượng bán ròng trong cả năm 2020 và 2016 cộng lại. Đáng chú ý, năm 2016 và 2020 cũng là hai năm mà khối ngoại bán ròng trong thập kỷ qua.
Từ năm 2020 tới nay (dịch Covid-19 xuất hiện), khối ngoại đã bán ròng tổng cộng gần 46.000 tỷ đồng trên HoSE, tương ứng 2 tỷ USD.
Riêng tuần giao dịch đầu tháng 6 (31/5 – 4/6), khối ngoại đã bán ròng 6.071 tỷ đồng trên HoSE và là con số bán ròng kỷ lục trong một tuần.
Khối ngoại bán ròng vượt mốc 30.000 tỷ đồng từ đầu năm 2021
Trong số các mã chứng khoán bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất từ đầu năm tới nay, HPG là cái tên dẫn đầu với giá trị bán ròng lên tới 10.632 tỷ đồng. Dù bị khối ngoại liên tiếp "nã đạn" nhưng HPG vẫn bứt phá mạnh và liên tiếp lập đỉnh mới. Kết thúc phiên giao dịch 4/6, thị giá HPG đạt 54.500 đồng, tăng 79% so với đầu năm. Diễn biến thuận lợi của giá thép cùng những kết quả tích cực của mảng nông nghiệp đã hỗ trợ đắc lực vào đà tăng của HPG.
Xếp thứ 2 trong danh sách bán ròng của khối ngoại là VNM với giá trị bán ròng lên tới gần 6.600 tỷ đồng. Cổ phiếu này đã giảm khoảng 17% so với thời điểm đầu năm và hiện đang ở mức giá thấp nhất từ tháng 8/2020. Có lẽ lo ngại áp lực cạnh tranh mạnh trong ngành sữa cùng với sự giảm tốc trong hoạt động kinh doanh của VNM trong những năm gần đây đã khiến khối ngoại đẩy mạnh bán ròng.
Các cổ phiếu trong nhóm ngân hàng cũng bị khối ngoại bán ròng khá mạnh, có thể kể tới như CTG (-5.744 tỷ đồng), VPB (-2.950 tỷ đồng), VCB (-1.800 tỷ đồng), BID (-1.302 tỷ đồng). Tuy vậy, biến động các cổ phiếu này nhìn chung vẫn khá tích cực, thậm chí CTG và VPB liên tiếp lập đỉnh mới.
Top 10 cổ phiếu khối ngoại bán ròng mạnh nhất từ đầu năm tới nay còn có sự hiện diện của POW (-1.678 tỷ đồng), KDH (-1.351 tỷ đồng), GAS (-1.083 tỷ đồng).
Ở chiều ngược lại, FUEVFVND (chứng chỉ quỹ DCVFM VNDiamond ETF) được mua ròng mạnh nhất với giá trị 3.910 tỷ đồng.
Với lợi thế danh mục gồm nhiều cổ phiếu hết room, FUEVFVND đã được nhiều quỹ ngoại ưu tiên lựa chọn. Trong đó, Pyn Elite Fund, một trong những quỹ ngoại lớn nhất trên TTCK Việt Nam đã đẩy mạnh "gom" FUEVFVND và đây cũng là khoản đầu tư lớn thứ 2 của quỹ.
Bên cạnh FUEVFVND, các ETFs khác như FUESSVFL (chứng chỉ SSIAM VNFinLead ETF) và E1VFVN30 (chứng chỉ DCVFM VN30 ETF) cũng được khối ngoại mua ròng khá mạnh với giá trị lần lượt 687 tỷ đồng và 585 tỷ đồng. Lượng mua ròng ETFs từ đầu năm tới nay có dấu ấn không nhỏ từ các nhà đầu tư Thái Lan.
Bộ đôi VIC, VHM cũng được khối ngoại mua ròng khá mạnh với giá trị lần lượt 999 tỷ đồng và 1.571 tỷ đồng. Trong khi đó, MWG cũng được khối ngoại mua ròng 1.535 tỷ đồng ngay khi "hở room" do phát hành ESOP.
Nhà đầu tư nội đẩy mạnh "gom" cổ phiếu, đưa VN-Index lên gần 1.400 điểm
Bất chấp áp lực bán ròng mạnh mẽ của khối ngoại, TTCK Việt Nam vẫn bứt phá mạnh trong những tháng đầu năm. Kết thúc phiên giao dịch 4/6, chỉ số VN-Index dừng tại 1.374,05 điểm, mức cao nhất trong lịch sử, tăng hơn 24% so với đầu năm.
Đóng góp quan trọng vào đà tăng của thị trường là các nhà đầu tư trong nước. Số liệu từ VSD cho biết trong 5 tháng đầu năm, nhà đầu tư trong nước mở mới hơn 480.000 tài khoản chứng khoán, vượt 20% tổng lượng tài khoản mở mới trong cả năm 2020 (393.659 tài khoản mở mới trong năm 2020).
Dù thị trường đang trên đà "thăng hoa" với sự hỗ trợ của nhà đầu tư nội, tuy nhiên việc tăng "nóng" trong thời gian qua cũng tiềm ẩn không ít rủi ro. Mới đây, ông Phạm Hồng Sơn – Phó Chủ tịch UBCKNN cho rằng TTCK Việt Nam trong thời gian tới vẫn phải đối mặt với những nguy cơ lớn. Đầu tiên là đại dịch Covid-19 kéo dài trên toàn cầu sẽ vẫn là nguy cơ lớn nhất. Vì vậy, diễn biến của TTCK về trung và dài hạn phụ thuộc vào khả năng kiểm soát dịch bệnh trên thế giới và Việt Nam cũng như mức độ hồi phục của nền kinh tế trong nước, quốc tế. Ngoài ra, mặt bằng giá chứng khoán đã lên cao cũng tạo ra những rủi ro khi thị trường điều chỉnh.