Kết thúc năm 2019, VN-Index đứng ở mức 960,99 điểm, tương ứng tăng 68,45 điểm (7,67%) so với cuối năm 2018. Trong khi đó, HNX-Index giảm 1,71 điểm (-1,65%) xuống còn 102,51 điểm. UPCoM-Index tăng 3,73 điểm (7,06%) lên 56,56 điểm.
Thị trường chỉ tập trung tăng điểm ở khoảng 2 tháng đầu năm sau đó rơi vào trạng thái giằng co. Đến khoảng tháng 11, thị trường điều chỉnh rất mạnh chỉ không lâu sau khi VN-Index vượt qua được mốc 1.000 điểm. Phiên 6/11, VN-Index đạt đỉnh năm 2019 ở mức 1.024,91 điểm.
Khối ngoại tiếp tục có đóng góp quan trọng vào đường đi của các chỉ số thị trường trong năm 2019. Cụ thể, khối ngoại vẫn mua ròng trên hai sàn HoSE và UPCoM, trong khi bán ròng mạnh ở sàn HNX. Tính trên thị trường cổ phiếu và chứng chỉ quỹ (CCQ), khối ngoại mua vào 4,4 tỷ cổ phiếu, trị giá 175.031 tỷ đồng, trong khi bán ra 4,5 tỷ cổ phiếu, trị giá 167.731 tỷ đồng. Tổng khối lượng bán ròng đạt 92 triệu cổ phiếu, nhưng tính về giá trị họ vẫn mua ròng 7.300 tỷ đồng.
Trên sàn HoSE, khối ngoại có năm mua ròng thứ 3 liên tiếp nhưng giá trị giảm 84,5% so với 2018 và còn 6.700 tỷ đồng, tuy nhiên, tính về khối lượng họ bán ròng trở lại 37,3 triệu cổ phiếu. Như vậy, trong 3 năm qua, khối ngoại sàn HoSE đã mua ròng tổng cộng gần 76.000 tỷ đồng.
|
Giá trị mua (bán) ròng của khối ngoại sàn HoSE từ năm 2013. |
Kể từ năm 2013 đến nay, khối ngoại sàn HoSE chỉ bán ròng trong năm 2016 (7.828 tỷ đồng). Tổng giá trị mua ròng từ đó đến nay là 78.602 tỷ đồng.
|
VIC trong năm 2019 được khối ngoại mua ròng trở lại 5.300 tỷ đồng trong khi trước đó bị bán ròng trong 5 năm liên tiếp với tổng giá trị 21.600 tỷ đồng. Dù vậy, lượng mua ròng của VIC năm qua chủ yếu đến từ giao dịch thỏa thuận. Cụ thể, khối ngoại mua ròng đến 5.900 tỷ đồng cổ phiếu VIC thông qua phương thức thỏa thuận. Khối ngoại tiếp tục mua ròng mạnh CCQ ETF nội E1VFVN30 với giá trị đạt 2.430 tỷ đồng. Việc khối ngoại mua ròng mạnh VIC đến từ thương vụ ngày 16/5, Tập đoàn Vingroup và Tập đoàn SK chính thức ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược. Trong đó, SK đăng ký mua 154,3 triệu cổ phiếu phát hành theo phương án chào bán riêng lẻ từ Vingroup và mua lại 51,4 triệu cổ phiếu thứ cấp từ VinCommerce, với giá trung bình là 113.000 đồng/cổ phiếu. Tổng giá trị giao dịch khoảng 23.300 tỷ đồng, tương ứng 1 tỷ USD.
Tương tự như VIC, CCQ E1VFVN30 cũng được khối ngoại mua ròng hơn 1.800 tỷ đồng thông qua phương thức thỏa thuận. Hai cổ phiếu PLX và VCB được mua ròng lần lượt 2.100 tỷ đồng và 1.750 tỷ đồng.
Chiều ngược lại, VJC vươn lên đứng đầu danh sách bán ròng của khối ngoại sàn HoSE với giá trị gần 2.500 tỷ đồng. Các cổ phiếu VHM, VNM và HDB đều có giá trị bán ròng trên 1.000 tỷ đồng.
|
Trái ngược với sàn HoSE, khối ngoại trên HNX bán ròng năm thứ 3 liên tiếp, với giá trị giảm 61% so với năm 2018 và đạt 776 tỷ đồng, tương ứng khối lượng bán ròng là 40 triệu cổ phiếu. Tổng cộng, khối ngoại sàn HNX bán ròng lên đến 3.070 tỷ đồng sau 3 năm qua.
|
Giá trị mua (bán) ròng của khối ngoại sàn HNX từ năm 2013. |
PVI là cổ phiếu được khối ngoại sàn HNX mua ròng mạnh nhất với 532 tỷ đồng. CDN cũng được mua ròng 402 tỷ đồng. Đáng chú ý, cả PVI và CDN đều chủ yếu được khối ngoại mua ròng mạnh thông qua phương thức thỏa thuận. Hai cổ phiếu ngân hàng trên HNX là NVB và SHB được khối ngoại mua ròng lần lượt 180 tỷ đồng và 97 tỷ đồng.
|
Chiều ngược lại, VGC bị khối ngoại bán ròng lên đến 1.100 tỷ đồng. Vào khoảng tháng 2, nhóm quỹ Dragon Capital thoái gần 10% vốn VGC cho nhà đầu tư trong nước. Tổng giá trị chuyển nhượng thỏa thuận ước tính hơn 887 tỷ đồng. Trong khi đó, công ty TNHH Thiết bị điện Gelex thông báo mua 27 triệu cổ phiếu VGC trong phiên 26/2 để nắm giữ hơn 6% vốn. Thiết bị điện Gelex là công ty con thuộc sở hữu của Tổng CTCP Thiết bị điện Việt Nam (Gelex - HoSE: GEX). NET và CEO bị khối ngoại bán ròng lần lượt 208 tỷ đồng và 137 tỷ đồng.
Trên sàn UPCoM, khối ngoại tiếp tục mua ròng 1.409 tỷ đồng (giảm 46,7% so với giá trị bán ròng của năm ngoái), nhưng tính về khối lượng họ bán ròng trở lại 14,7 triệu cổ phiếu.
|
QNS được khối ngoại sàn UPCoM mua ròng mạnh nhất với giá trị đạt 607 tỷ đồng. VTP và MPC được mua ròng lần lượt 520 tỷ đồng và 489 tỷ đồng. Trong khi đó, IDC bị bán ròng mạnh nhất với 632 tỷ đồng. BSR tiếp tục bị bán ròng 337 tỷ đồng.