Theo dữ liệu thống kê, khối ngoại đã bán ròng khá mạnh với hơn 1.600 tỷ đồng trong tháng 8. Cùng lúc đó, dòng tiền ETFs cũng ghi nhận bị rút ròng mạnh nhất kể từ đầu năm, đặc biệt tới từ VFMVN30.
Liên quan đến việc khối ngoại bán ròng, tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư mới đây, đại diện Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) – ông Hoàng Thạch Lân - cho biết thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay đang có nhiều tin theo hướng tiêu cực, vì thế không loại trừ khả năng quỹ ngoại tính toán để cơ cấu lại danh mục. Và khi cơ cấu lại danh mục, họ sẽ thấy cần thiết giảm bớt tỷ trọng tại những cổ phiếu có khả năng mang lại rủi ro cho mình.
"Thực tế những lúc như thế này thì là lúc họ cần tái cơ cấu danh mục. Bởi vì theo quan điểm cá nhân tôi, khi thị trường suy giảm thì các danh mục cổ phiếu được cho là tốt sẽ trở nên rẻ hơn rất nhiều và với nhà đầu tư thì đó là cơ hội mua vào", ông Lân nói.
Chúng ta cũng đều biết với các nhà đầu tư tổ chức, khi thị trường suy giảm trong ngắn hạn sẽ không phải là mối bận tâm lớn của họ, trừ khi tới thời điểm họ phải chốt quỹ… nên phải bán ra. Cái họ quan tâm nhiều nhất là đến thời điểm họ rút vốn thì thị trường sẽ như thế nào, NAV ra sao… cái đó mới là cái quan trọng.
Không chỉ ở Việt Nam, mà khối ngoại cũng rút ròng mạnh tại các thị trường lân cận trong tháng 8.
Trở lại với thị trường chứng khoán hiện nay, theo thống kê thì rõ ràng khối ngoại đang bán ròng, điều đáng tiếc trên thị trường chưa có cơ quan tổ chức nào ghi nhận cụ thể khối ngoại nào đang bán ròng. Cá nhân hay tổ chức bán ròng, quỹ đầu tư giá trị hay quỹ ETF bán ròng?
"Theo cá nhân tôi là các quỹ ETF bán ròng, vì theo dõi thông tin trên HoSE hay các đơn vị khác, thì chúng tôi thấy rất ít thông tin về các quỹ đầu tư lớn, nếu có bán nhà đầu tư cũng tập trung bán tại những mã đã hết room…", đại diện VDSC nhấn mạnh.
Cho nên theo vị này, nhìn chung việc khối ngoại bán ròng thì không quá đáng lo ngại. Còn câu hỏi khối ngoại có mua lại hay không thì khả năng có, vì thường thị trường chứng khoán Việt Nam cuối năm sẽ tăng tốt, trong đó các ngành như ngân hàng chứng khoán thường tổng kết kinh doanh vào cuối năm.
Mặt khác, Chính phủ cũng báo cáo các chỉ số vĩ mô vào cuối năm, cũng như tiến hành đưa ra các chỉ tiêu tăng trưởng cao cho năm tiếp theo. Hơn nữa, Luật chứng khoán sửa đổi sẽ thảo luận trong tháng 10 tới.
Cuối cùng, có hai điểm lớn liên quan khối ngoại là nới room và nâng hạng, nếu các bên đồng thuận với những quan điểm đó thì khối ngoại sẽ nhanh tay gom hàng. Chưa kể, HoSE mới đưa ra ba bộ chỉ số mới, mà theo VDSC là kích cầu khối ngoại. Trong đó, bộ chỉ số Vietnam Diamond Index hứa hẹn sẽ nhận được sự quan tâm từ nhà đầu tư nước ngoài vì các tiêu chí lựa chọn cổ phiếu thành phần sẽ một phần giải tỏa nhu cầu sở hữu cổ phiếu tốt nhưng đã chạm giới hạn sở hữu của NĐT nước ngoài. VDSC kỳ vọng Sở có thể công bố rổ chỉ số Vietnam Diamond Index ngay trong tháng 10 tới. Sự ra đời của các ETFs mô phỏng các rổ chỉ số mới này, theo đó, có thể giúp thị trường thu hút dòng tiền mới từ nước ngoài.
Ghi nhận, tổng kết tháng 9 trên sàn HoSE, khối ngoại mua ròng trở lại 143 tỷ đồng, dù vậy, nếu xét về khối lượng thì họ vẫn bán ròng 5,8 triệu cổ phiếu. Việc khối ngoại sàn HoSE mua ròng trở lại là nhờ đột biến về giao dịch thỏa thuận.