Thị trường tiếp tục diễn biến đi ngang tích lũy trong tuần từ 7-11/10. Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, VN-Index đứng ở mức 991,84 điểm, tương ứng tăng 0,43% so với cuối tuần trước. HNX-Index cũng tăng nhẹ 0,1% lên 105,26 điểm.
Khối ngoại vẫn là điểm đáng lo ngại của thị trường lúc này khi tiếp tục duy trì trạng thái bán ròng, dù vậy, giá trị bán ròng đã giảm đáng kể so với tuần trước đó. Tính chung cho cả ba sàn giao dịch, khối ngoại mua vào 56,2 triệu cổ phiếu, trị giá 1.941 tỷ đồng, trong khi bán ra 71,6 triệu cổ phiếu, trị giá 2.204,8 tỷ đồng. Tổng khối lượng bán ròng đạt 15,4 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị bán ròng gần 264 tỷ đồng.
Ở sàn HoSE, khối ngoại tiếp tục bán ròng 220,4 ỷ đồng (giảm 78,5% so với giá trị mua ròng của tuần trước), tương ứng khối lượng bán ròng là 9,6 triệu cổ phiếu. Khối ngoại sàn HoSE đã bán ròng trong 4 tuần liên tiếp, với tổng giá trị đạt 2.026 tỷ đồng.
|
Đứng đầu danh sách mua ròng của khối ngoại sàn HoSE là VCB với giá trị đạt 141 tỷ đồng. Tiếp sau đó, ROS được khối ngoại mua ròng 60,7 tỷ đồng. Trong khi đó, VIC bị bán ròng mạnh nhất sàn HoSE với giá trị đạt 134 tỷ đồng, đáng chú ý khối ngoại bán ròng hơn 152 tỷ đồng cổ phiếu VIC thông qua phương thức thỏa thuận. Như vậy, nếu chỉ tính giao dịch khớp lệnh thì VIC được mua ròng 18,5 tỷ đồng. HDB và VHC tuần qua bị bán ròng lần lượt 55,5 tỷ đồng và 48 tỷ đồng.
|
Tại sàn HNX, khối ngoại bán ròng gần 57 tỷ đồng (gấp 3,5 lần tuần trước), tương ứng khối lượng bán ròng đạt 2,4 triệu cổ phiếu.
|
VCS là cổ phiếu được khối ngoại sàn HNX mua ròng mạnh nhất nhưng giá trị chỉ đạt 3,4 tỷ đồng. Trong khi đó, PVS bi bán ròng lên đến 57 tỷ đồng, bỏ xa mã đứng sau là CEO với giá trị bán ròng chỉ là 5,2 tỷ đồng.
Trên sàn UPCoM, khối ngoại nối dài chuỗi mua ròng lên thành 19 tuần liên tiếp, tuy nhiên, giá trị mua ròng giảm 57% so với tuần trước và chỉ đạt 14,5 tỷ đồng, nhưng tính về khối lượng họ vẫn bán ròng 684.898 cổ phiếu.
|
QNS tiếp tục là cổ phiếu được khối ngoại sàn UPCoM mua ròng mạnh nhất với 19,5 tỷ đồng. ACV và LPB được mua ròng lần lượt 11,8 tỷ đồng và 6 tỷ đồng. Trong khi đó, BSR vẫn bị bán ròng mạnh với 23,8 tỷ đồng. Tiếp sau đó, KDF cũng bị bán ròng trên 10 tỷ đồng.