Phiên giao dịch 26/11, VPB là cổ phiếu tăng giá mạnh nhất trong nhóm ngân hàng, đóng cửa ở mức 39.200 đồng/cp, tăng 3,2%. Đáng chú ý, khối ngoại tiếp tục "xả" mạnh cổ phiếu VPB khi bán ra 14,4 triệu đơn vị trong phiên hôm nay.
Trước đó, hồi tháng 5, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã thông báo tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại VPBank là 15%. Theo đó, trong 6 tháng qua, khối ngoại đã bán ra hơn 90 triệu cp VPB. Riêng từ ngày 17/11 đến nay, khối ngoại bán mạnh VPB với tổng cộng hơn 48 triệu cổ phiếu.
Được biết, việc chốt room ngoại ở mức 15% của VPBank là để mở đường cho kế hoạch phát hành cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Bởi theo quy định hiện hành tại Nghị định số 01/2014/NĐ-CP, giới hạn của nhà đầu tư nước ngoài tối đa tại ngân hàng Việt Nam là 30%. Tỷ lệ sở hữu cổ phần của cá nhân nước ngoài không quá 5% vốn điều lệ; Tổ chức nước ngoài không quá 15% vốn điều lệ; Nhà đầu tư chiến lược không quá 20% vốn điều lệ; Nhà đầu tư nước ngoài + Người có liên quan không quá 20% vốn điều lệ.
Chuyên gia của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương và Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, dường như tỷ lệ sở hữu vốn trên đang làm khó cơ hội tìm kiếm cổ đông chiến lược của các ngân hàng thương mại. Do đó, các chuyên gia đề xuất kiến nghị với cơ quan quản lý nhà nước: Cân nhắc cách tiếp cận mở việc điều chỉnh tăng giới hạn tỷ lệ sở hữu đối với các nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng thương mại, về phát triển fintech; cập nhật quan điểm về mức độ tham gia của nhà đầu tư nước ngoai; cải thiện khung pháp lý để bảo đảm cạnh tranh bình đẳng mọi thành phần kinh tế trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính; đối thoại cởi mở hơn với cộng đồng doanh nghiệp về các vấn đề liên quan đến cơ cấu sở hữu tại các ngân hàng thương mại.
Ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cũng cho rằng, với những ngân hàng thương mại đã hoàn thành Basel II, đang tiếp tục nâng cao Basel III có thể nâng tỷ lệ góp vốn cổ đông nước ngoài lên cao hơn tỷ lệ 30% như đã quy định.
Trước đó, năm 2019, Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) giữa Việt Nam với EU chính thức được ký kết. Theo đó, trong vòng 5 năm kể từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, Việt Nam cam kết sẽ xem xét thuận lợi việc cho phép các tổ chức tín dụng EU nâng mức nắm giữ của phía nước ngoài lên 49% vốn điều lệ trong 2 ngân hàng thương mại cổ phần của Việt Nam (không áp dụng với 4 ngân hàng thương mại cổ phần mà Nhà nước đang nắm cổ phần chi phối là BIDV, Vietinbank, Vietcombank và Agribank).
Theo các chuyên gia ở thời điểm đó, những ngân hàng quản trị rủi ro tốt, hoàn thành 3 trụ cột của Basel II,…có nhiều tiềm năng nhất được nới room ngoại. VPBank được đánh giá là một trong những ứng viên tiềm năng được xem xét nới room ngoại theo EVFTA.